Sớm làm rõ MV-L là phân bón hay chất thải?
Mặc dù có tên trong danh mục phân bón được phép sử dụng ở Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nhưng thời gian gần đây, tại một số vùng sản xuất, khi sử dụng MV-L tưới cho cây trồng, nhiều hộ nông dân cho biết loại phân bón lỏng này gây chết cây và có biểu hiện hủy hoại môi trường nghiêm trọng, nghi ngờ MV-L là... nước thải.
Mặc dù có tên trong danh mục phân bón được phép sử dụng ở Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nhưng thời gian gần đây, tại một số vùng sản xuất, khi sử dụng MV-L tưới cho cây trồng, nhiều hộ nông dân cho biết loại phân bón lỏng này gây chết cây và có biểu hiện hủy hoại môi trường nghiêm trọng, nghi ngờ MV-L là… nước thải.
ép nông dân sử dụng
Theo phản ánh của người dân, từ năm 2008 đến nay, Công ty TNHH nông-công nghiệp Hà Trung, vốn trước đây là Nông trường Hà Trung (gọi tắt là Công ty Hà Trung), có trụ sở tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đưa nước thải Miwon dạng lỏng từ Phú Thọ về tưới cho mía, dứa và cao-su, dưới tên gọi là phân bón dạng lỏng MV-L. Ðiều đáng nói là các hộ công nhân nông trường đều bị Công ty Hà Trung ép tưới chất thải này cho cây trồng, dù muốn hay không, dẫn đến hiện tượng mía, dứa chết hàng loạt, cao-su quăn rễ. Cũng từ năm 2008 đến nay, nhiều hộ dân đã phản ánh lên Công ty, đề nghị dừng sử dụng loại phân bón này nhưng không được chấp thuận. Ðến nay, các xe chở chất thải vẫn định kỳ về tưới cho cây trồng. Anh Phạm Văn Tỉnh ở khu 9, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn bức xúc: Ðến nay đã năm năm, công ty ép chúng tôi tưới nước thải này cho cây trồng. Do tưới trực tiếp làm mía, dứa chết hoặc giảm năng suất, cao-su quăn rễ thì nay họ nghĩ ra sáng kiến pha nước lã và phân bón theo liều lượng hai nước thải, ba nước lã. Với liều lượng này, tuy không làm chết cây, nhưng không có tác dụng, vì các hộ dân vẫn phải sử dụng đầy đủ các loại phân bón khác như quy trình, không bỏ loại nào. Vậy mà mỗi lần phun, chúng tôi phải trả tiền với giá 540 nghìn đồng/téc. Trung bình mỗi ha phải phun ít nhất từ bốn đến năm téc, một hộ như gia đình tôi có 2,7 ha thì mất chừng gần bảy triệu đồng. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Công ty là 1.253 ha thì chắc chắn chi phí tưới cần rất lớn, dù có tưới đủ hay không. Khi được hỏi: Sao các anh không phản đối việc ép buộc này bằng cách không cho công ty tưới lên diện tích cây trồng của mình? Anh Tỉnh thở dài: Chúng tôi đều là các hộ nhận thuê khoán đất của Công ty, nếu phản đối sẽ bị thu lại đất sản xuất. Ðất đai là miếng cơm manh áo của cả gia đình, thì ai dám chống lại?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phân bón MV-L dạng lỏng được Công ty Hà Trung nhập về từ Công ty TNHH Miwon Việt Nam, được công ty lưu giữ vào hai bể bê-tông có dung tích khoảng 150 m3. Trước bức xúc của người dân, tháng 3-2012, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn kiểm tra việc phân bón MV-L của Công ty Hà Trung và đưa đến kết luận khá kỳ lạ khi gọi loại phân bón này là nước thải “Nước thải Miwon là phân bón hữu cơ có tên là MV-L (dạng lỏng), nằm trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam theo quyết định của Bộ NN và PTNT. Trong quá trình sử dụng nước thải Miwon, Công ty Hà Trung chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của cấp thẩm quyền cho phép. Riêng đối với cây dứa không nằm trong danh mục 16 loại cây trồng theo khuyến cáo nên yêu cầu công ty dừng việc sử dụng nước thải Miwon tưới cho cây dứa…”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân thì không thể coi nước thải Miwon là một dạng phân bón được. Anh Hồ Xuân Thành, công nhân nông trường cho biết, các xe chất thải này đều được chở về nông trường vào tầm 3 giờ sáng. Tất cả các téc chở đến đều không có nhãn mác, không có giấy kiểm nghiệm chất lượng. Việc pha nước lã vào chất thải cũng chỉ do lái xe pha chế, không có cán bộ kỹ thuật của Công ty giám sát. Hơn nữa, loại nước thải này nếu tưới trực tiếp vào đất khi chưa trồng cây thì phải để chừng nửa tháng mới cày xới được do bết đất. Nếu là phân bón thì không bao giờ có hiện tượng như thế. Còn tiếp tục sử dụng chất thải này thì nông trường không khác gì bãi thải của Công ty Miwon đâu – anh Thành khẳng định.
Vì sao Công ty Hà Trung lại nhập nước thải này về ép các hộ dân tưới cho cây trồng, nhập miễn phí từ Công ty Miwon hay có phí với mức giá bao nhiêu? Tại sao Công ty không công khai rõ giá cả, thành phần, chất lượng, hình thức nhập hàng cho các hộ công nhân nông trường? Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Quốc Tiến và Trưởng phòng Tổ chức của Công ty nhưng không có hồi âm. Khi trực tiếp đến trụ sở Công ty thì không gặp một đại diện lãnh đạo nào, dù trong giờ hành chính. Vậy đằng sau sự lập lờ, thiếu minh bạch này là những vấn đề gì tiềm ẩn?
Tưới tràn lan trên đồi chè
Hiện tại, vùng chè tỉnh Yên Bái có hơn 11 nghìn ha chè kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 15 nghìn lao động khu vực nông thôn miền núi. Gần đây, tại các vùng chè trọng điểm của tỉnh ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên có một người lén lút đưa phân bón dạng lỏng vào tiêu thụ.
Qua kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Loại phân bón MV-L dạng lỏng do Công ty Miwon Việt Nam sản xuất được phân phối cho các hộ trồng chè, trồng lúa và hoa màu. Giá bán MV-L tại các xã vùng chè huyện Văn Chấn từ 600 đến 750 nghìn đồng/tấn. Khi nông dân huyện Văn Chấn sử dụng thấy lá chè xanh dầy, năng suất tăng, nhưng các cây cỏ xen kẽ dưới tán chè cùng giun dế đều chết hết. Hộ ông Ðinh Trọng Vương, thôn 3, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn đã kinh doanh loại phân bón lỏng nói trên từ năm 2010, cứ hai ngày nhập một xe chở khoảng 20 nghìn lít phân MV-L (tương ứng hai mươi tấn), bán trực tiếp cho các hộ dân.
Sáng 22-5-2013, Ðội Chống hàng giả thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đột xuất kiểm tra tài liệu và hồ sơ của hộ ông Vương, cho thấy việc kinh doanh không có hợp đồng kinh tế với đơn vị cung ứng; không có giấy phép kinh doanh phân bón, không có kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa kèm lô hàng; không có tem, nhãn hàng hóa theo quy định. Ðáng chú ý là toàn bộ các lô hàng nói trên, Công ty Miwon đều không thu tiền. Ðội chống hàng giả đã lấy mẫu phân bón dạng lỏng trên gửi đi giám định tiêu chuẩn chất lượng tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia. Kết quả thử nghiệm số 189/KQ – PBQG, ngày 4-6 của Trung tâm cho thấy các chỉ tiêu thử nghiệm đều vượt so với Thông tư 65/2010/BNNPTNT và tài liệu quảng cáo phân hữu cơ MV-L. Như vậy, đến nay, toàn bộ số phân lỏng MV-L đã được tiêu thụ trên các đồi chè của nông dân hai huyện Văn Chấn, Trấn Yên ước đạt cả triệu lít, nhưng không một cơ quan thẩm quyền nào thẩm định việc độc hại đối với môi trường. Sử dụng loại phân này, nhiều hộ nông dân phát hiện thấy đất bị chai, khô, không còn giun, dế sinh sống.
Sáng 5-6, tại dốc Ðát Quang trên quốc lộ 37, đoạn tiếp giáp xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên và xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, chúng tôi chứng kiến việc một lô phân hữu cơ dạng lỏng MV-L ước khoảng bốn nghìn lít, được chứa trong năm phi nhựa (loại mỗi phi 200 lít) cùng một bể chứa dã chiến được làm từ một tấm bạt ni-lông trải vội trên nền rãnh bên đường, khiến nước rỉ thải bốc mùi. Lãnh đạo huyện Trấn Yên thừa nhận việc nông dân các xã dọc quốc lộ 37 như Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca… đều đang sử dụng loại phân bón lỏng trên từ lâu, nhưng chưa thấy có cảnh báo gì từ Sở NN và PTNT cũng như các ngành chức năng.
Phân bón hay nước thải?
Thăm dây chuyền sản xuất phân bón MV-L của Công ty Miwon Việt Nam tại Phú Thọ. Mặc dù được giới thiệu là dây chuyền sản xuất phân bón tương đối hiện đại, nhưng thực tế chúng tôi nhận thấy ngoài bể ngầm chứa một phần hỗn hợp tách ra từ chất thải của nhà máy Miwon, phần còn lại của dây chuyền khá đơn sơ với hệ thống ống dẫn, bơm, pha chế đơn giản. Tất thảy “hệ thống” nằm trong một căn phòng nhỏ tuềnh toàng, có hai công nhân ngồi trực trên một cái phản gỗ dựng tạm ngoài cửa. Ðại điện của Phòng phân bón thuộc công ty Miwon Việt Nam cho biết, từ năm 2006, khi dây chuyền sản xuất mì chính hoạt động, bắt đầu có phụ thải. Công ty đã sản xuất phân bón lỏng từ một phần của chất phụ thải này và đưa ra khảo nghiệm trên đồng ruộng từ năm 2006. Sau khi có kết quả khảo nghiệm, công ty đã bổ sung giấy phép, lập dây chuyền sản xuất với công suất 50 nghìn tấn phân bón lỏng/năm và một dây chuyền sản xuất phân bón dạng khô, công suất 20 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất phân khô hiện đã ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền do bốc mùi khó chịu.
Theo tài liệu của Phòng Phân bón Công ty Miwon Việt Nam, kết quả khảo nghiệm trên diện rộng cho thấy MV-L có thể sử dụng cho chè, lúa, mía, ngô, rau màu rất tốt, hiện đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố phía bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Mỗi khi tiếp cận vào một vùng sản xuất, công ty đều tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp tưới. Báo cáo của nhiều HTX nông nghiệp tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Ba (Phú Thọ), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)… là những điểm sử dụng loại phân bón này tưới cho lúa cũng cho thấy loại phân bón này có tác dụng rõ rệt cho tăng năng suất lúa, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất…
Anh Hồ Xuân Thành ở Công ty Hà Trung nói: “Người dân chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ loại nước được chở đến cho các vùng sản xuất có đúng loại MV-L hay là nước thải trá hình chính loại phân bón này; loại phân bón này có tác dụng thế nào với cây trồng và tác hại ra sao với môi trường…”. Thiết nghĩ, vì lợi ích của hàng chục nghìn nông dân, Bộ NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, kiểm tra và đưa ra kết luận rõ ràng hơn về phân bón dạng lỏng MV-L.
Theo Nhandan
Ý kiến ()