Sớm khôi phục toàn bộ đường bay quốc tế
Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không các nước đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng 1.
Tần suất các đường bay này cũng được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.
Đồng thuận nối lại mạng bay
Theo nhà chức trách hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc phòng, chống dịch phù hợp với lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, nhanh chóng mở cửa để khôi phục sản xuất, kinh doanh,… Riêng với ngành hàng không, muộn nhất là thời điểm ngày 30/3 phải mở cửa hoàn toàn mạng bay quốc tế chở khách thường lệ và tinh thần là mở cửa sớm ngày nào tốt ngày đó. Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu, Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương làm việc, báo cáo kết quả nối lại đường bay quốc tế trong tháng 2 này để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm hiện nay, hàng không phải mở cửa và khởi động lại thị trường để các hãng hàng không lên kế hoạch, phương án khai thác và có một tháng để bán vé. Vấn đề bây giờ phải đẩy mạnh tiếp thị và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện không cần thiết để khách du lịch vào Việt Nam thuận lợi.
Cục trưởng Hàng không Việt Nam Ðinh Việt Thắng cho biết, ngày 10/2 vừa qua, Cục đã làm việc với Nhà chức trách hàng không Thái Lan và nhận được sự nhất trí, đồng thuận mở lại đường hàng không và không hạn chế số lượng chuyến bay. Như vậy, các quốc gia Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý, trừ Trung Quốc do vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Hiện, các đường bay từ Việt Nam tới châu Âu, Australia, Mỹ… đều đã có hoạt động khai thác. Trong thời gian sắp tới, sẽ tiếp tục có những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như Trung Ðông, Thổ Nhĩ Kỳ,…được tổ chức, hãng nào có nhu cầu, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đàm phán, hỗ trợ mở đường bay mới. Ngành hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế bình thường như trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hàng không, bay quốc tế là vấn đề “sống còn”, phải mở cửa sớm, đi trước mới giữ được thị trường, nếu khởi động sau các nước sẽ rất khó khăn. Nếu chậm triển khai bay quốc tế, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư. Dịch Covid-19 trên thế giới và nước ta đang được kiểm soát tốt, Việt Nam là một trong sáu nước có tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Trong hai năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại quá nặng nề, luôn bị ngấp nghé trên bờ vực phá sản. “Ðơn cử, trong năm 2019 (trước khi xảy ra dịch), riêng thị trường Hàn Quốc, sản lượng khách đạt khoảng 10 triệu người, trong đó 70% là khách Hàn Quốc, hoặc mỗi ngày, có khoảng 100 chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc, cho thấy tiềm năng dồi dào của hàng không từ thị trường quốc tế. Theo thống kê, năm 2019, hơn 70% doanh thu của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ thị trường quốc tế. Thời điểm này, cho dù mạng bay trong nước được khôi phục hoàn toàn, nhưng doanh thu của bay trong nước chỉ khoảng 30% thì không thể bù đắp chi phí cho các hãng. Vì thế, mở lại mạng bay quốc tế chính là “cửa sinh” của các hãng hàng không”, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam phân tích.
Thích ứng an toàn dịch bệnh
Một số chuyên gia nêu ý kiến, hàng không giống như “chìa khóa vạn năng” để mở cửa nền kinh tế, kết nối giao thương giữa Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa bầu trời như thế nào để bảo đảm an toàn và hiệu quả là vấn đề rất quan trọng. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát và lây lan vẫn phức tạp, trong khi hàng không là lĩnh vực nhạy cảm, vì vậy cần có những biện pháp cụ thể, linh hoạt để thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề, mở lại đường bay quốc tế sau thời gian dài giãn cách, trong bối cảnh các quốc gia đã tiêm vắc-xin trên diện rộng và có giải pháp kiểm soát dịch bệnh là cần thiết. Hàng không vẫn là phương tiện an toàn và có quy trình kiểm soát dịch chặt chẽ, các hãng hàng không đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình bay thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” là cơ sở tốt để bay quốc tế trở lại. Cần hướng dẫn hành khách tuân thủ đúng quy trình bay; quản lý, giám sát di chuyển bằng công nghệ, thực hiện 5K,… sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh, tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách và thu hút khách du lịch tới Việt Nam.
Cuối tháng 1 vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ công bố thời điểm mở cửa du lịch quốc tế, nhằm tạo lực đẩy mạnh để các địa phương, doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có thời gian chuẩn bị. Ban IV cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan hoàn thiện và ban hành quy trình bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế theo hướng giảm bớt quy định hiện hành không cần thiết. Xem xét gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính; gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay đối với các hành khách đủ điều kiện nêu trên và có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài việc khôi phục toàn bộ các chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị thực điện tử cho du khách, Ban IV cũng đề xuất Chính phủ cân nhắc, mở rộng chương trình miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường chiến lược, trọng điểm như toàn bộ châu Âu, Australia và Bắc Mỹ; cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực từ 14 ngày lên 30 ngày theo xu hướng du lịch mới của du khách là đi dài ngày hơn,…
Trưởng Ban IV Trương Gia Bình nhận định, qua việc quyết liệt ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”. Việt Nam cũng đã đạt được kết quả ấn tượng trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay. Ðây là nền tảng đặc biệt quan trọng để nước ta đẩy nhanh khôi phục hoạt động kinh tế, mở cửa ngành hàng không và du lịch với bạn bè quốc tế. Theo đánh giá của các hãng hàng không, du lịch, trong hai năm qua, các doanh nghiệp đã phải hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Gần như “đóng băng” mọi hoạt động, lực của các doanh nghiệp đã hoàn toàn cạn kiệt. Quyết định mở cửa mạng bay quốc tế, đón khách du lịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cơ hội duy nhất để cứu sống các doanh nghiệp, cứu sống 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác.
Mở lại đường bay quốc tế không hạn chế tần suất từ ngày 15/2
Cục Hàng không Việt Nam đã giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) phát thông báo tin tức hàng không (NOTAM) về việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 từ ngày 15/2. Các hãng hàng không sẽ được khai thác trở lại các đường bay quốc tế như thời điểm trước dịch Covid-19 với tần suất không hạn chế. Những quy định về nhập cảnh, phòng, chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của các bộ: Công an, Ngoại giao và Y tế. Hiện, các đường bay tới châu Âu, Australia, Mỹ,… Việt Nam đều đã có hoạt động khai thác. Tuy nhiên, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hạn chế đối tượng nhập cảnh trên các chuyến bay từ Việt Nam đến để phòng, chống dịch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()