Sớm “hồi sinh” những dự án yếu kém của ngành công thương
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương giải quyết công việc tồn đọng, liên quan 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo đó, cần lựa chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể, nhìn thẳng vào sự thật và đối mặt sự thật để giải quyết, chọn một vài dự án để xử lý khắc phục, vừa làm vừa mở rộng, rút kinh nghiệm.
Sản xuất không kịp bán… nhưng vẫn lỗ
Trước khi “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ 4 càn quét tại Bắc Giang, chúng tôi trở lại Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (ÐHB). Nhà máy vừa kết thúc đợt bảo dưỡng định kỳ 15 ngày, vượt trước hai ngày so kế hoạch, đưa các dây chuyền vào sản xuất nhằm bảo đảm nguồn hàng cung ứng ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tổng Giám đốc ÐHB Nguyễn Ðức Ninh chia sẻ: Hoàn thành bảo dưỡng sớm hai ngày đã mang lại lợi ích rất lớn cho công ty, đem lại doanh thu khoảng 12 tỷ đồng/ngày và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Hiện nay, sản phẩm phân đạm và các sản phẩm khác của công ty sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, không còn lượng tồn kho. Tuy nhiên, do vốn vay đầu tư dự án cải tạo – mở rộng nhà máy lớn, thời gian trả nợ ngắn, lãi suất quá cao cho nên đơn vị vẫn bị lỗ nặng.
ÐHB là một trong số ít nhà máy sản xuất phân bón lớn và có uy tín cao với thị trường trong nước và quốc tế. Tháng 11-2010, ÐHB khởi công dự án cải tạo – mở rộng nhà máy, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2015 đến nay với tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD (tương đương 10.121 tỷ đồng, trong đó vốn tự có hơn 1.960 tỷ đồng, còn lại vay ngân hàng). Theo báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), năm đầu đi vào hoạt động, nhà máy lỗ kế hoạch gần 470 tỷ đồng, năm sau lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Mặc dù đơn vị chủ động, tích cực áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhưng do thị trường biến động bất lợi và chi phí tài chính quá lớn, cho nên công ty luôn trong tình trạng lỗ lớn và hiện nay bị âm vốn chủ sở hữu. Thời điểm triển khai dự án, công ty vay khoản ưu đãi đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với số vốn lớn, nhưng phải chịu lãi suất rất cao (bình quân 10,78%/năm, có khoản tới 12%/năm), với thời hạn vay ngắn (12 năm). Vì thế, khi đơn vị gặp khó khăn, không thể cân đối tài chính để trả nợ gốc và nợ lãi đúng hạn, lại tiếp tục phải chịu phạt chậm trả với mức lãi lên tới 18%, cao gấp 1,5 lần (bình quân 16,2%) khiến chi phí tài chính tăng vọt lên 1.623 tỷ đồng và chiếm từ 30 đến 38% doanh thu hằng năm. Làm một phép so sánh, công ty vay VDB 4.125 tỷ đồng, đến tháng 4 vừa qua đã trả 1.692 tỷ đồng, nhưng số nợ cả gốc và lãi gộp đến thời điểm đó vẫn còn 6.456 tỷ đồng. Trong khi ấy, công ty cũng vay của các ngân hàng thương mại khác 3.083 tỷ đồng, cùng thời điểm tháng 4 đã trả 1.728 tỷ đồng, số nợ còn 3.158 tỷ đồng. Có thể thấy, khoản vay giữa hai ngân hàng không chênh lệch nhiều, số tiền trả cũng tương đương, nhưng số nợ hiện nay giữa hai đơn vị lệch nhau rất xa. Ðây chính là bất hợp lý cần được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, tháo gỡ và có hướng xử lý hài hòa. Bên cạnh đó giá nguyên vật liệu đầu vào trong giai đoạn này như than cám và điện đều tăng giá mạnh (giá than từ 900 nghìn đồng/tấn vọt lên 2,1 triệu đồng/tấn, tăng 2,3 lần so với khi khởi công; giá điện tăng 25%). Chưa kể, thuế VAT không được khấu trừ cũng làm tăng chi phí so với FS gần 800 tỷ đồng và gây bất lợi trong quá trình cạnh tranh với hàng nhập khẩu… Các yếu tố nêu trên đã làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của đơn vị hơn 6.800 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2020, hiện công ty đã trả nợ gốc và lãi vay 3.420 tỷ đồng, nộp ngân sách 239 tỷ đồng.
Thực hiện Ðề án 1468 của Chính phủ về xử lý một số dự án kém hiệu quả ngành công thương, DN đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2018 – 2020, với mục tiêu giảm lỗ dần và giai đoạn sau sẽ tiến tới thoát lỗ. Tuy nhiên, do thị trường thời điểm này biến động theo hướng bất lợi (như đã nêu trên) khiến mục tiêu giảm lỗ của ÐHB đề ra hết sức khó khăn. Ðến nay, đơn vị đã hoàn thành các công việc Ðề án đặt ra, ngoại trừ hạng mục quyết toán hợp đồng EPC do chưa thống nhất được với nhà thầu. Bên cạnh việc làm chủ công nghệ, sản xuất ổn định ở công suất cao với định mức tiêu hao nguyên vật liệu giảm so với định mức nghiệm thu 72 giờ (giúp giảm chi phí hơn 470 tỷ đồng) và công tác quản trị gần như tối ưu, sản phẩm tiêu thụ tốt nhưng công ty vẫn thua lỗ kéo dài. Do vậy, nguyện vọng của ÐHB là rất cần Nhà nước cho phép DN được tái cơ cấu nợ theo hướng kéo dài thời hạn các khoản vay của dự án lên 30 năm; điều chỉnh lãi suất khoản vay của VDB về mức 8,55%/năm, không tính lãi phạt chậm trả; điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại về mức 4,5%/năm. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xem xét, sửa đổi Luật Thuế theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế VAT với thuế suất 5% nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu; cho phép DN được tiếp tục giãn 50% khấu hao giá trị tài sản cố định,…
Ðánh giá về hoạt động của DN, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường khẳng định, Vinachem có bốn đơn vị nằm trong Ðề án 1468 là Ðạm Hà Bắc, Ðạm Ninh Bình, DAP1, DAP2. Ðến nay, DAP1 đã được đưa ra khỏi danh sách; các đơn vị còn lại đang tiếp tục thực hiện theo Ðề án. Riêng đối với ÐHB luôn hoạt động ổn định, công suất huy động máy đều hơn 90% công suất thiết kế; sản lượng đạt hơn 455 nghìn tấn u-rê/năm,… đã chứng minh tính hiệu quả của dự án. Chính vì vậy, việc cơ cấu, giãn nợ ngân hàng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách sẽ là tiền đề quan trọng để DN cắt lỗ và trở lại hoạt động ổn định trong một, hai năm tới. Vinachem đã và đang xây dựng phương án tối ưu nhất trình Chính phủ với hy vọng sớm được phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển.
Cần cơ chế đặc thù với Tisco
Khác với dự án mở rộng quy mô sản xuất ÐHB đã được đưa vào sản xuất thì dự án mở rộng Tisco giai đoạn II có tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 8.100 tỷ đồng đến nay vẫn trong tình trạng “án binh bất động” do thiếu vốn. Việc dự án bị “đắp chiếu” từ năm 2013 đến nay đang gây áp lực rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ phải trả của Tisco đến hết quý I-2021 lên hơn 7.733 tỷ đồng trên tổng tài sản 9.682 tỷ đồng, mỗi ngày công ty phải trả tới hơn một tỷ đồng tiền lãi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành thép, dù đã qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, hầu hết dây chuyền thiết bị đã cũ, xuống cấp, một số khâu công nghệ đã lạc hậu so với các đơn vị có cùng mô hình sản xuất nhưng nghiên cứu tình hình thị trường thép trong thời gian tới, việc triển khai Tisco-II vẫn hiệu quả. Soi chiếu công nghệ sản xuất thép của dự án Tisco-II, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có công nghệ nào tiên tiến hơn. Sớm tháo gỡ vướng mắc và đưa dự án vào sản xuất, có thể từng phần, chính là cơ hội để đơn vị tiếp tục sản xuất hiệu quả, có điều kiện hoàn thành tiếp các phần sau. Nếu không tái khởi động được Tisco-II, chỉ một thời gian nữa, chất lượng thiết bị đã lắp đặt ngoài trời sẽ hư hỏng, xuống cấp nặng nề, dự án sẽ không có cơ hội vực dậy. Xét dưới góc độ kinh tế, Tisco có ba nhà máy cán thép, công suất một triệu tấn/năm, trong đó hai nhà máy được đầu tư mới có công nghệ và thiết bị hiện đại của Danieli (I-ta-li-a). Tuy nhiên, do dự án Tisco-II ngưng trệ, Nhà máy cán thép Thái Trung tại Tisco không được cấp phôi nóng, phải bù đắp 50% nguồn phôi thiếu hụt bằng việc mua của các đơn vị khác với giá đắt đỏ, cộng chi phí gia nhiệt để cán phôi, mỗi năm mất khoảng 240 đến 280 tỷ đồng. Trường hợp Tisco-II hoạt động, mỗi năm sẽ sản xuất thêm 500 nghìn tấn phôi thép bằng công nghệ lò thổi, khi đó dự án được kết nối đồng bộ, tổng thể, cung cấp ngay tại chỗ lượng phôi nóng cho Nhà máy cán thép Thái Trung, giúp tăng quy mô sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu cho việc gia nhiệt phôi thép, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo tính toán thẩm định của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng), cả ba phương án cho vay để tái khởi động Tisco-II đều cho con số dự án hiệu quả với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR từ 16 đến 17,1%, thậm chí tỷ lệ này còn cao hơn tính toán và phù hợp thực tế khi giá phôi thép và thép cán trên thị trường đang tăng rất mạnh. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I-2021 của Tisco ghi nhận, trong quý I, công ty đã hoàn thành vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn, hiện Tisco vẫn chưa giải quyết được dứt điểm những tranh chấp trong hợp đồng EPC với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) do “vướng” về cơ chế và các thủ tục pháp lý liên quan. Mấu chốt vấn đề là cần nhanh chóng đàm phán lại với nhà thầu MCC trên tinh thần cả hai bên đều thiện chí xử lý dứt điểm để tìm ra hướng giải quyết ổn thỏa nhất. Cùng với đó, tìm nguồn lực tài chính đủ mạnh để tiếp tục triển khai dự án, đồng thời, được các ngân hàng đang cho vay tạo điều kiện để Tisco cơ cấu lại nợ, giãn nợ hoặc miễn giảm lãi vay trong thời gian triển khai Tisco-II để công ty không bị rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính khi thời hạn phải trả nợ gốc đang đến gần. Các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu áp dụng cơ chế đặc thù, bố trí nguồn vốn cho Tisco-II sớm khởi động lại để đi vào sản xuất. Với điều kiện thực tế, trước mắt, Tisco có thể sẽ đứng ra thuê đơn vị thi công xây lắp, đưa nhà máy luyện cốc vào vận hành trước. Lượng than cốc thu được đủ để cung cấp cho ba nhà máy cán hiện tại của công ty. Nếu áp dụng phương án này, giá thành sẽ giảm khoảng 300 tỷ đồng/năm. Tính riêng việc tiết kiệm không phải mua dầu FO để nung phôi, nhờ tận dụng lượng khí than và dầu cốc thô tiết kiệm được của nhà máy cốc giai đoạn hai, chỉ khoảng 1,5 đến 2 năm đã có thể hòa tiền chi phí xây dựng cả nhà máy. Khi dự án đầu tiên có lợi nhuận, sẽ tạo điều kiện kéo theo các hạng mục dự án khác lên theo. Với diễn biến thị trường thép thời gian qua và dự báo trong tương lai hết sức thuận lợi, nhiều chuyên gia đánh giá đây chính là cơ hội rất quan trọng giúp Tisco-II hồi sinh.
Do bất cập trong quá trình đầu tư, xây dựng cùng những biến động bất lợi của thị trường trước đây, nhiều dự án trọng điểm quốc gia bị “đội vốn”, lãi suất tăng cao đẩy các dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rơi vào cảnh “đắp chiếu”, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản. Ðể tháo gỡ vướng mắc, giúp các dự án “hồi sinh” trở lại, các cơ quan chức năng cần mạnh dạn thay đổi tư duy và cách làm, áp dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách theo quy luật thị trường, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()