Sớm hình thành đội ngũ cán bộ tài chính cho khoa học và công nghệ
Thực tế cho thấy, đến tháng 6-2012, nhiều chương trình, đề tài khoa học đã được Bộ KH và CN duyệt nhưng kinh phí cấp cho các chương trình, đề tài đó vẫn chưa có. Tính cho đến hết năm, còn bảy tháng nữa, với khoảng thời gian này làm sao mà các nhà khoa học hoàn thành được hết nhiệm vụ của mình? Tình trạng này nếu không khắc phục thì sang năm lại tái diễn!
Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng cho biết, hiện nay đầu tư cho cả ngành KH và CN của Nhà nước chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách, tương đương 0,5% GDP. Trong khi đó, Hàn Quốc chi 3-4% GDP mà GDP của họ hơn nước ta hàng trăm lần. Nguồn vốn từ xã hội đầu tư cho hoạt động KH và CN cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng một phần ba trong khi ở các nước phát triển phải là hai phần ba tổng đầu tư cho KH và CN. Bên cạnh đó, khoảng 40% kinh phí đầu tư phát triển không do Bộ KH và CN quản lý cho nên nhiều ngành, địa phương lại giải ngân sai mục đích. Tiếp đến là tiền đầu tư cho nghiên cứu không nhiều nhưng rất dàn trải, nặng về bao cấp, chưa tập trung nguồn kinh phí cho phát triển từng nhiệm vụ, từng sản phẩm cụ thể của quốc gia. Đề tài cấp Nhà nước có kinh phí hơn một tỷ đồng, phải làm nhiều chuyên đề, mà trong đó nhiều chuyên đề ít có giá trị thực tế. Các nhà khoa học phải thu thập đủ chứng từ, hóa đơn, mất rất nhiều thời gian mới đủ điều kiện để thanh toán với tài chính. Do đó, tình trạng “nói dối” trong nghiên cứu khoa học là có thật.
Cũng có ý kiến cho rằng nên có cơ chế khoán trong hoạt động KH và CN, song thực tế không phải cái gì cũng khoán được. Hiện chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thí điểm áp dụng cơ chế khoán trong nghiên cứu vì đặc thù ngành này là có thể cho ra những sản phẩm hữu hình. Phương thức khoán được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính tự chủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, trong đó các chủ nhiệm đề tài được tự do hơn trong các hoạt động chi tiêu, miễn sao đạt được kết quả chất lượng đúng như cam kết khi được giao kinh phí. Đồng thời, phương thức khoán cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải những thủ tục hành chính trong chi nghiên cứu, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung chuyên môn. Cơ chế khoán đã được áp dụng một cách hiệu quả trong nông nghiệp và một số lĩnh vực hoạt động kinh tế. Riêng trong lĩnh vực KH và CN cũng có thể áp dụng cơ chế khoán cho một số nhiệm vụ KH và CN. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực chưa thể áp dụng cơ chế khoán. Khi đã xác định được rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra thì có thể thực hiện khoán. Nghiên cứu, sáng tạo KH và CN là một quá trình khám phá, có độ rủi ro cao; nhiều trường hợp chưa hoàn toàn xác định và đánh giá được kết quả đầu ra như thế nào trước khi giao, khoán. Trong trường hợp đó, thậm chí nhà khoa học cũng không quả quyết theo hướng nhận khoán sản phẩm cuối cùng. Áp dụng cơ chế khoán cũng phải đi kèm với định mức chi, cơ chế tài chính, phương thức thanh toán minh bạch, công khai. Khoán trồng lúa trên một thửa ruộng hay khoán xây một ngôi nhà khác với khoán thực hiện một nhiệm vụ KH và CN.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, GS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng KH và CN cho rằng, cần sớm hình thành đội ngũ cán bộ tài chính cho KH và CN. Đội ngũ này cần có năng lực chuyên môn và hiểu biết về đặc thù tài chính trong khoa học, từ đó tư vấn và xây dựng chính sách phù hợp. Khi xảy ra những vướng mắc bất cập trong hoạt động tài chính khoa học thì những chuyên gia này sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học và người làm chính sách, với kinh nghiệm cần thiết để xem xét, đề xuất ý kiến tháo gỡ vấn đề. Đây cũng là cách mà Tập đoàn Viettel đã thực hiện khá thành công. Tại tập đoàn này, người làm nghiên cứu có thể chuyên tâm vào công việc, còn vấn đề thủ tục hành chính, giải ngân… có một bộ phận chuyên trách chăm lo. Nếu có vướng mắc, họ có thể trực tiếp báo cáo ban lãnh đạo, tổng giám đốc và được ưu tiên giải quyết sớm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho rằng, trước hết tự bản thân các đơn vị nghiên cứu KH và CN cần có sự chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các chính sách đã ban hành, sau đó nếu có khó khăn, bất cập thì có thể trình lên Thủ tướng để thực hiện thí điểm, làm tiền đề đổi mới. Về phía các ban, ngành liên quan cũng cần cởi mở và linh hoạt trong việc tạo điều kiện hoạt động cho các tổ chức nghiên cứu bằng cách giảm các thủ tục hành chính phiền hà rắc rối.
Ý kiến ()