Sớm "gỡ" đúng điểm vướng trong bồi thường oan, sai
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành và có hiệu lực ba năm qua được đánh giá là một bước tiến lớn trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng được ban hành để giúp các cơ quan trực tiếp thực thi rõ “đường hướng” khi giải quyết yêu cầu bồi thường. Mặc dù vậy, tình cảnh người dân ngại tiếp cận hoặc khó thực hiện yêu cầu bồi thường của mình là một thực tế không mới nhưng chưa được “gỡ”.
Đẩy cái “khó” cho dân?
Một điểm “vướng” lớn đối với việc yêu cầu bồi thường Nhà nước đang tồn tại hiện nay chính là việc người bị thiệt hại muốn thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thì trước tiên phải thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, tức là phải xác định được yếu tố lỗi của người có thẩm quyền. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2005 lại không quy định người bị thiệt hại phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật làm căn cứ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường.
Thực tiễn thi hành Luật cho thấy, quy định này đã gây cản trở không nhỏ tới việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại (nhất là người dân) với các cơ quan công quyền. Việc yêu cầu ra văn bản của cơ quan Nhà nước đã khó, trong đó có nội dung thừa nhận hành vi của họ là sai trái lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan trốn tránh trách nhiệm không ra văn bản hoặc văn bản không đúng quy định, nên không thể yêu cầu bồi thường.
Nhiều chuyên gia pháp lý đều cho rằng, việc xác định hành vi của người có thẩm quyền “biết rõ là trái pháp luật” rất khó khăn. Đồng thời, yếu tố lỗi của người có thẩm quyền cũng không được quy định rõ ràng, bởi nếu bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì trong các quyết định đó cũng không có nhận định là người ra bản án, quyết định có hành vi trái pháp luật mà thực tiễn chỉ nhận định do không đủ các cơ sở, căn cứ pháp luật để kết tội.
Việc người bị hại, bị kết án oan phải tự mình chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra khi yêu cầu bồi thường Nhà nước cũng là một vấn đề rất khó trong quá trình đòi bồi thường. Người yêu cầu bồi thường thiệt hại không có công cụ, phương tiện, thậm chí không có điều kiện thì việc chứng minh là rất khó, thậm chí là không thể, như vấn đề ô nhiễm môi trường hay thiệt hại về tinh thần mỗi năm.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính hiện vẫn còn thu hẹp và chưa bao gồm hết các hành vi quản lý của bộ máy nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, quản lý đê điều, thủy điện,… Đây chính là những lĩnh vực gây ra nhiều thiệt hại cho người dân hiện nay.
Do quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với thời hiệu của Bộ luật Tố tụng Dân sự, nên nhiều người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường không đúng.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật.
Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm, dẫn đến sự hiểu lầm của người bị thiệt hại.
Thực tế, nhiều người bị hại do không nắm bắt được quy định đặc thù về thời hiệu yêu cầu bồi thường Nhà nước nên đã thực hiện quyền yêu cầu bồi thường Nhà nước trong thời hạn hai năm kể từ ngày có thiệt hại xảy ra nhưng lại chưa có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Khi được cơ quan Nhà nước hướng dẫn thì thời hiệu giải quyết khiếu nại hoặc thời hiệu giải quyết vụ án hành chính đã hết, do đó, người bị thiệt hại mất quyền yêu cầu bồi thường.
Triển khai Luật còn chậm
Thực tiễn triển khai thi hành Luật cho thấy, người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc việc giải quyết bồi thường của những cơ quan này còn chậm trễ và không có tính chuyên nghiệp trong việc giải quyết bồi thường. Hơn nữa vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bồi thường.
Kết quả khảo sát tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng cho thấy, có 4,2% số cán bộ, công chức thuộc các cơ quan thi hành án dân sự và có đến 20% số người dân không biết đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo Cục trưởng Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, nhiều cơ quan từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện rất chậm triển khai Luật đến đội ngũ cán bộ, công chức. Cá biệt, có một số cơ quan cho đến nay vẫn chưa triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.
Thêm vào đó, hiện nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được dự toán hằng năm cho kinh phí chi trả tiền bồi thường. Việc cấp phát kinh phí hiện nay phải qua nhiều cơ quan xem xét, thẩm định và phê duyệt. Do đó, không thể bảo đảm được thời hạn xét cấp kinh phí là 45 ngày kể từ khi Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật theo quy định của Luật.
Dù là văn bản có điểm đã “tương tác” được với thực tế, song Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn chưa bao quát được các thiệt hại thực tế phát sinh do hành vi của người thi hành công vụ gây ra, do đó ảnh hưởng đến việc quyết định mức bồi thường cho người bị thiệt hại. Và đó cũng là lý do khiến nhiều vụ kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trở thành các vụ “cò kè” về giá bồi thường giữa hai bên.
Để người dân ngày càng tiếp cận được với quyền yêu cầu bồi thường từ các cơ quan công quyền, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm làm việc của những người thi hành công vụ, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được sửa theo hướng “gỡ” bỏ những hạn chế, bất cập, để quyền tiếp cận công lý của người dân thuận lợi hơn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()