Sớm giải quyết dứt điểm việc đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện Chiêm Hóa
Đường dân sinh trong thôn Nghe được mở mới và nâng cao để tránh ngập. Thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có ba tổ máy với công suất 48 MW, được khởi công từ tháng 10-2009. Đây là nhà máy thủy điện cột nước thấp, sử dụng tua-bin bóng đèn kiểu chảy thẳng; cột nước phát điện định mức là 6,5 m, cột nước phát điện nhỏ nhất là 2,5 m. Mực nước vận hành cao nhất của hồ chứa là 49 m.Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị và đã chạy thử nghiệm tổ máy số 1, số 2 và dự kiến sẽ phát điện cả ba tổ máy vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11-2012, việc đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) vẫn chưa xong.Theo phương án được phê duyệt, vùng lòng hồ của nhà máy sẽ ảnh hưởng tới 535 hộ dân của 12 thôn ở ba xã: Yên Lập, Ngọc Hội và Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Trong số này có 51 hộ phải di chuyển nhà, số hộ còn lại chỉ bị ảnh hưởng một phần diện tích đất sản xuất. Đến...
Đường dân sinh trong thôn Nghe được mở mới và nâng cao để tránh ngập. |
Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị và đã chạy thử nghiệm tổ máy số 1, số 2 và dự kiến sẽ phát điện cả ba tổ máy vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11-2012, việc đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) vẫn chưa xong.
Theo phương án được phê duyệt, vùng lòng hồ của nhà máy sẽ ảnh hưởng tới 535 hộ dân của 12 thôn ở ba xã: Yên Lập, Ngọc Hội và Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Trong số này có 51 hộ phải di chuyển nhà, số hộ còn lại chỉ bị ảnh hưởng một phần diện tích đất sản xuất. Đến ngày 12-11, đã có 471 hộ gia đình nhận tiền đền bù đất, vật kiến trúc, hoa màu. Hiện còn 64 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 17 hộ phải di chuyển nhà. Những hộ này tập trung chủ yếu ở thôn Nghe, xã Hùng Mỹ.
Chúng tôi về thôn Nghe, xã Hùng Mỹ, nơi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thủy điện Chiêm Hóa tích nước. Hiện dự án đã dần tích nước đến cao trình 46,7 một số gia đình đã phần nào bị ảnh hưởng nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Thôn Nghe có 96 gia đình bị ảnh hưởng do nước dâng. Trong số này có 22 gia đình phải di chuyển nhà (chỉ có bảy hộ gia đình dưới cốt 49, còn lại là các hộ có nguy cơ bị sạt lở khi nước dâng tới cốt 49). Đây là những gia đình có hộ khẩu chính thức và nằm trong danh sách đền bù. Cho đến ngày 9-11, đã có 12 gia đình nhận tiền đền bù và thực hiện di chuyển đến nơi ở mới.
Đến gia đình ông Nguyễn Thế Chài, khi ông đang chuẩn bị cho lễ vào nhà mới. Các con, cháu và bà con làng xóm người căng bạt, người sắp bàn ghế, bát đũa để làm cỗ. Ông Chài cho biết, di chuyển nhà, ông được nhận 586 triệu đồng, để dựng lại nhà nơi ở mới (cùng trong thôn) làm nhà hết phần lẻ (86 triệu đồng). Hôm nay, ông “quyết” mổ một con lợn 50 kg để làm lễ cúng gia tiên và mời gia đình, bà con trong thôn tới mừng. Anh Nguyễn Thế Oánh, con cả ông Chài cũng thuộc hộ phải di chuyển nhà. Với 598 triệu đồng tiền bồi thường, vợ chồng anh mua một miếng đất ra mặt đường thuộc xã Tân Mỹ. Anh Oánh nói, đến tháng sau mới động thổ được vì lúc đó mới được ngày theo phong tục.
Còn anh Ma Văn Dùng, một trong những người nhận tiền đền bù đợt đầu cho biết, ban đầu thấy có người nói ra, nói vào về chuyện kiểm kê thiếu và giá thấp, nhưng sau khi được giải thích và đọc các văn bản quy định thấy phù hợp thì nhận tiền luôn. Số tiền đền bù được hơn một tỷ đồng, vợ chồng anh mang gửi tiết kiệm. Anh khoe, hai tháng rồi tiền lãi tiết kiệm cũng được gần 20 triệu đồng. Một khoản không nhỏ đối với mức thu nhập bình quân của gia đình anh và người dân ở nơi đây.
Tại khu làm việc của Ban quản lý dự án, chúng tôi cũng được chứng kiến năm gia đình thôn Nghe tới nhận tiền đền bù. Anh Chu Văn Thăng cho biết, đất nhà anh không bị ngập, nhưng có nguy cơ sạt lở khi mực nước hồ dâng tới cốt 49, nên Hội đồng ĐBGPMB đã xét duyệt cho gia đình anh được di chuyển (ở thôn có 15 hộ thuộc diện này). Nhận gần 1,2 tỷ đồng tiền đền bù, anh mua 1.000 m2 đất làm nhà ở hết 200 triệu đồng. Anh đã chuyển ngôi nhà gỗ ở vị trí cũ sang dựng lại ở nơi mới ngay đầu thôn, nay đã sắp xong. Hôm nay lấy tiền, anh gửi ngân hàng 500 triệu đồng, còn lại mang về trang trải công việc. Anh cho biết, chỉ vì nghe một số người nói càng lâu nhận càng đòi được nhiều tiền, sau được giải thích rõ và đọc cả văn bản của Chính phủ mới thấy quy định chỉ có vậy, thế là nhận tiền thôi. Với số tiền này nếu lấy ngay thì mỗi tháng đã sinh lời gần chục triệu đồng. Được biết, nhà máy đã liên hệ với ngân hàng huyện nên cứ mỗi lần trao trả tiền đền bù là cán bộ ngân hàng vào giúp dân đếm tiền và tư vấn miễn phí cho dân, ai có nhu cầu gửi tiết kiệm thì tiến hành thủ tục.
Hiện nay, thôn Nghe còn 35 hộ chưa nhận tiền ĐBGPMB. Ngay bến đò Nghe là hộ gia đình anh Vũ Đình Dự. Anh Dự và chị Ma Thị Điều, vợ anh cho biết, chưa nhận tiền đền bù bởi còn đang đề nghị Ban ĐBGPMB phải thu hồi hết phần diện tích đất còn lại trên cao trình 49 của gia đình và nâng mức bồi thường cho căn nhà của gia đình. Một số gia đình chưa nhận tiền đền bù cũng có kiến nghị không cộng đất lâm nghiệp vào diện tích đất nông nghiệp để tính tỷ lệ % thu hồi đất; đề nghị sớm rà soát xác định rõ diện tích đất lâm nghiệp là núi đá không đưa vào diện tích đất lâm nghiệp để tính tỷ lệ % thu hồi đất nông nghiệp của các hộ; yêu cầu đưa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi về cùng vị trí 1 có đơn giá cao nhất để đền bù.
Đem những ý kiến này trao đổi với Phó ban GPMB dự án thủy điện Chiêm Hóa Bùi Mạnh Hùng, đồng chí Hùng cho biết, mức giá đền bù đất đai, vật kiến trúc Ban đã thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ và của tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của dân đã được UBND huyện, Ban GPMB và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức họp, đối thoại trực tiếp với các hộ dân tại đó. Các ý kiến, kiến nghị đã được giải thích rõ và được những người tham gia đối thoại đồng tình. Hiện nay, UBND huyện đã phê duyệt, công bố phương án hỗ trợ, đền bù thêm số hoa màu vụ xuân và vụ mùa năm 2012 bị ảnh hưởng do nước ngập cho dân (số hoa màu này trồng trên diện tích đất thu hồi và đã được đền bù). Một số đoạn đường sẽ bị ngập khi nước dâng tới cao trình 49, Ban quản lý dự án cũng đã đầu tư làm đường, cầu bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại.
Trong quá trình thực hiện dự án này, dù UBND tỉnh Tuyên Quang đã ba lần ra văn bản chỉ đạo và chốt thời gian thực hiện hoàn thành GPMB nhưng do sự thiếu chặt chẽ và đồng bộ trong hợp tác giữa Ban quản lý dự án với Ban GPMB huyện Chiêm Hóa; thiếu sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, thiếu sự gắn kết giữa chính quyền huyện, xã với chủ đầu tư trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, nhất là các văn bản pháp luật quy định về đền bù GPMB, do vậy đã làm chậm tiến độ. Tiếp đó, khi thực hiện kiểm kê, đền bù có bước chưa chặt chẽ; không công bố kết quả kiểm kê cho mỗi gia đình ngay sau khi lập biên bản thống nhất số liệu, dẫn đến người dân chưa thông, cho nên xảy ra những vướng mắc không đáng có. Anh Ma Văn Dùng, người được bà con trong thôn cử làm đại diện tham gia cùng Ban ĐBGPMB từ ngày đầu đi kiểm kê cho biết, ban đầu chỉ công bố tổng số tiền đền bù của mỗi gia đình, còn bản chi tiết giao cho trưởng thôn ai cần thì đến xem. Chính từ sự thiếu chặt chẽ này cho nên một số người đã lợi dụng để trục lợi, tuyên truyền sai, gây hoang mang và làm thiệt hại cho dân.
Theo chủ đầu tư, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại quốc tế (ICT), ngày 20-11 tới là hạn chót mà công trình phải tích nước đến cao trình 49 để có đủ điều kiện kỹ thuật vận hành thử nghiệm tổ máy số 3 và khai thác hiệu quả tổ máy số 1 và số 2. Để giúp chủ đầu tư sớm hoàn thành xây dựng dự án, đề nghị UBND huyện Chiêm Hóa, xã Hùng Mỹ, tích cực tuyên truyền vận động số hộ dân thôn Nghe chưa nhận tiền đền bù sớm thực hiện việc này, giải quyết dứt điểm việc ĐBGPMB, ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()