Sớm giải quyết chế độ cho người có công ở Yên Bái
Những tháng gần đây, hơn năm mươi cựu chiến binh (CCB) là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Yên Bái, kiến nghị chính quyền giải quyết dứt điểm chế độ thương tật của 108 thương binh bị tạm ngừng từ năm 2007 đến nay chưa được hưởng, gây bức xúc cho các cựu quân nhân trên địa bàn.Vụ việc bắt nguồn từ vụ án: Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Mộc cầm đầu. Vụ án đã được Tòa án các cấp đưa ra xét xử công khai, nhưng các cơ quan chức năng của Yên Bái đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện phán quyết của Tòa án.Theo Kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 2003 đến năm 2006, Nguyễn Ngọc Liên (SN 1963), trú tại tổ 13, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, đã làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh thu lời bất chính 984 triệu đồng cho 173 đối tượng, trong đó có 101 hồ sơ sửa chữa tẩy xóa, 47 hồ sơ có giấy tờ giả....
Vụ việc bắt nguồn từ vụ án: Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Mộc cầm đầu. Vụ án đã được Tòa án các cấp đưa ra xét xử công khai, nhưng các cơ quan chức năng của Yên Bái đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện phán quyết của Tòa án.
Theo Kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 2003 đến năm 2006, Nguyễn Ngọc Liên (SN 1963), trú tại tổ 13, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, đã làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh thu lời bất chính 984 triệu đồng cho 173 đối tượng, trong đó có 101 hồ sơ sửa chữa tẩy xóa, 47 hồ sơ có giấy tờ giả. Nguyễn Ngọc Liên còn có hành vi viết giấy ủy quyền giả của ông Hồ Thanh Bình, trú tại xã Âu Lâu, TP Yên Bái chuyển về phường Yên Thịnh, để hằng tháng Liên nhận tiền do Nhà nước chi trả trợ cấp cho ông Bình, mặc dù theo quy định của pháp luật, ông Bình không đủ điều kiện hưởng chế độ thương binh, vì ông đang hưởng chế độ mất sức lao động. Với hành vi này, từ tháng 12-1994 đến tháng 9-2006, Liên đã chiếm đoạt của Nhà nước số tiền 22 triệu 795 nghìn đồng.
Đối với Nguyễn Hữu Mộc (SN 1953), trú tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái), tham gia làm hồ sơ thương binh giả với Liên (giới thiệu cho Liên 33 đối tượng, có 25 đối tượng Mộc trực tiếp thu 147 triệu đồng); Mộc đưa cho Liên 131 triệu đồng, còn lại Mộc chiếm đoạt 16 triệu đồng. Từ năm 2004, Mộc làm riêng cho 18 đối tượng chiếm đoạt 85 triệu đồng, với thủ đoạn tẩy xóa giấy chứng nhận thương tật, ghi thêm vết thương. Mộc còn khai đã hối lộ cho các bác sĩ tham gia giám định thương tật 62,7 triệu đồng.
Ngày 8-9-2006, Công an tỉnh Yên Bái đã bắt, khám xét khẩn cấp tại nhà Nguyễn Ngọc Liên, thu giữ 33 bộ hồ sơ thương binh; 63,6 triệu đồng, cùng một số giấy tờ khác có đóng dấu khống chỉ của các đơn vị quân đội. Qua điều tra, trong số 173 hồ sơ mà Liên tham gia làm giả đã xác định 62 đối tượng đang hưởng chế độ thương binh (12 đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ thương binh, 20 đối tượng không đủ điều kiện hưởng chế độ thương binh, 28 đối tượng hồ sơ thương binh là giả). Có 41 đối tượng đã được Hội đồng giám định y khoa Quân khu 2 giám định, kết luận; trong đó có hai đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ thương binh, một đối tượng không đủ điều kiện hưởng chế độ này, 38 đối tượng hồ sơ thương binh là giả. Có 36 hồ sơ Liên đã nộp cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái nhưng chưa kịp giám định; trong đó có 31 đối tượng có hồ sơ thương binh giả do Liên đã sử dụng giấy tờ giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa; còn lại năm đối tượng có giấy chứng nhận bị thương gốc không tẩy xóa gì… Trong quá trình phục vụ điều tra, cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã yêu cầu ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái ngừng chi trả chế độ thương binh cho các đối tượng để làm rõ.
Ngày 24-1-2008, vụ án trên được đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân TP Yên Bái. Nguyễn Ngọc Liên bị kết án tám năm tù; Nguyễn Hữu Mộc bị kết án bốn năm tù. Tòa cũng kiến nghị với Quân khu 2, Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với 108 trường hợp đã hưởng chế độ thương binh và 56 trường hợp đã giám định nhưng chưa hưởng chế độ. Sau phiên tòa, Liên và Mộc cùng 50 người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đã làm đơn kháng cáo, với nội dung việc dừng trả trợ cấp là không đúng; Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết không thỏa đáng, đề nghị trả lại quyền lợi, chế độ thương binh theo quy định của pháp luật. Ngày 25 và 26- 3-2010, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã y án với Tòa sơ thẩm. Đồng thời, Hội đồng xét xử thấy 50 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều là quân nhân, có thời gian chiến đấu ở chiến trường ác liệt, để lại một phần xương máu, nay tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống ở địa bàn rừng núi, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, kiến nghị đến Quân khu 2 và các cơ quan hữu quan hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, bổ sung tài liệu, nhân chứng để giải quyết thấu tình đạt lý, giúp những người bị thương trong chiến đấu được hưởng đúng và đủ chính sách của Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, thời gian dừng chi trả chế độ đã hơn bốn năm, trong đó hơn một năm Tòa án phúc thẩm tuyên án, một số đối tượng bị kết án đã thụ án xong hình phạt tù, nhưng các cựu chiến binh (CCB) trong vụ án trên vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh. Ông Đào Việt Trung, trú tại số nhà 46, tổ 35, phường Minh Tân, TP Yên Bái bức xúc: Chúng tôi là người đã hy sinh tuổi trẻ, để lại một phần máu thịt ở chiến trường, nay tuổi đều hơn sáu mươi, đã già yếu và phát bệnh tật. Các cơ quan chức năng đã xác minh cụ thể, Tòa án không phán quyết thu hồi hay tạm dừng chi trả, bản thân chúng tôi vẫn giữ thẻ thương binh, sao không giải quyết chế độ cho chúng tôi? Đến nay, đã có mười một CCB là thương binh đã chết nhưng chưa được hưởng chế độ thương binh do bị dừng chi trả phụ cấp thương tật liên quan, gồm các ông: Đỗ Đăng Trường, Cao Đình Bình, Trần Văn Thìn, Lương Xuân Hạnh, Bùi Văn Kiên, Nguyễn Văn Hùng…
Ngày 18-11, số CCB này lại tiếp tục kiến nghị đông người tại Quân khu 2 (QK2) về giải quyết chế độ thương binh bị chính quyền tỉnh Yên Bái tạm dừng không giải quyết. Ngày 28-11, Đại tá Nguyễn Tiến Phú, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị QK2 đã trả lời như sau: Qua nghiên cứu đơn kiến nghị (kèm theo Bản án 101/2010/HSPT ngày 25, 26-3-2010 của Tòa phúc thẩm tại Hà Nội do Tòa án Nhân dân tối cao xử). Đến nay Bộ Tư lệnh QK2 vẫn chưa nhận được sự trao đổi và kiến nghị của Tòa phúc thẩm và chủ tọa phiên tòa; đồng thời BTL QK2 cũng chưa nhận được văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Yên Bái về việc tạm dừng hay thu hồi chế độ trợ cấp thương tật của các đối tượng là thương binh liên quan đến vụ án.
Làm việc với Đại tá Dương Danh Vượng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, chúng tôi được biết: Bộ CHQS tỉnh đã thành lập đoàn công tác liên ngành xuống cơ sở, rà soát lại các đối tượng có liên quan; đồng thời họp liên ngành giữa các cơ quan: công an, quân sự, CCB, lao động xã hội nhằm thống nhất phương án giải quyết. Bốn năm đã qua, cả trăm gia đình CCB trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang mỏi mắt chờ một quyết định thấu tình đạt lý. Nên chăng, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan cần thẳng thắn, có trách nhiệm, đối thoại trực tiếp với các CCB trên để kịp thời giải quyết yêu cầu chính đáng của những người có công trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()