Sớm di dời người dân xã Ninh Dân ra khỏi vùng sụt
Hiện tượng sụt lún đất xuất hiện ngày càng nhiều ở xã Ninh Dân. - Thời gian gần đây, tình trạng sụt lún đất tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) diễn biến phức tạp. Hàng trăm hộ dân đang thấp thỏm, lo âu vì tính mạng, tài sản luôn bị đe dọa. Chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc, tuy nhiên, việc di dời hơn 400 hộ dân ra khỏi vùng sụt lún đang là bài toán khó.Chúng tôi về xã Ninh Dân trong nắng hè oi ả. Sự oi bức càng trở nên ngột ngạt khi chúng tôi có mặt tại khu 3 và khu 4, nơi được coi là "điểm nóng" về tình trạng sụt lún của xã Ninh Dân. Vừa dừng xe đã thấy hàng chục người dân vây quanh trình bày về tình trạng sụt lún đất nơi đây. Trong vẻ mặt thất thần, lo lắng, chị Nguyễn Thị Đào ở khu 3 cho biết, đã nhiều ngày nay, cứ trời chuyển mưa là gia đình chị mất ăn, mất ngủ lo lắng về tình trạng sụt lún đất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngôi nhà hai tầng của gia...
Hiện tượng sụt lún đất xuất hiện ngày càng nhiều ở xã Ninh Dân. |
– Thời gian gần đây, tình trạng sụt lún đất tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) diễn biến phức tạp. Hàng trăm hộ dân đang thấp thỏm, lo âu vì tính mạng, tài sản luôn bị đe dọa. Chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc, tuy nhiên, việc di dời hơn 400 hộ dân ra khỏi vùng sụt lún đang là bài toán khó.
Chúng tôi về xã Ninh Dân trong nắng hè oi ả. Sự oi bức càng trở nên ngột ngạt khi chúng tôi có mặt tại khu 3 và khu 4, nơi được coi là “điểm nóng” về tình trạng sụt lún của xã Ninh Dân. Vừa dừng xe đã thấy hàng chục người dân vây quanh trình bày về tình trạng sụt lún đất nơi đây. Trong vẻ mặt thất thần, lo lắng, chị Nguyễn Thị Đào ở khu 3 cho biết, đã nhiều ngày nay, cứ trời chuyển mưa là gia đình chị mất ăn, mất ngủ lo lắng về tình trạng sụt lún đất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngôi nhà hai tầng của gia đình được xây khá kiên cố đã xuất hiện những vết nứt chạy dọc từ phòng khách cho đến bếp. Chị cho biết sau trận mưa lớn đêm 7-4 vừa qua, khi cả nhà đang ngủ bỗng bị đánh thức bởi những tiếng ùm ùm. Cả nhà chạy ra thì phát hiện trước cửa nhà xuất hiện một hố sâu, đường kính khoảng ba đến bốn m. Hiện nay, cả gia đình đã phải đóng cửa sang nhà bố mẹ ở nhờ. Còn gia đình ông Trần Văn Thọ 62 tuổi thì bi đát hơn, cả đời lam lũ vất vả tích cóp xây được căn nhà hai tầng kiên cố mấy chục m2 cho cả ba thế hệ với chín người cùng ở. Khoảng hơn một năm nay, trên tường xuất hiện những vết nứt nhỏ chạy dọc từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Biết cố ở trong căn nhà này rất nguy hiểm nhưng chẳng biết chuyển đi đâu. Vừa rồi những vết nứt ở tầng hai ngày càng rộng, để giải quyết chỗ ở trước mắt, gia đình đã phải đập bỏ để xây lại. Vừa nói, ông vừa dẫn chúng tôi ra phía sau nhà xem một hố sụt mới xuất hiện sau trận mưa hôm đầu tháng 6. Ông cho biết thêm, người dân ở đây đang thấp thỏm, lo âu chờ đợi từng ngày được chuyển đến nơi ở mới. Như hiện nay, cứ lo nghĩ cũng đủ chết còn hơi sức đâu mà làm ăn.
Qua tìm hiểu, nhiều người dân cho biết, tình trạng sụt lún đất ở đây xuất hiện đã lâu, lúc đầu xuất hiện một vài hố sụt ngoài đồng. Nhưng những hố sụt thực sự uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân khoảng hai năm trở lại đây. Thời điểm này, trên địa bàn khu 3, 4 xuất hiện hàng chục hố sụt lún tạo thành hàm ếch ăn sâu vào móng và nền nhà dân. Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún đất, nứt tường nhà một phần do Công ty cổ phần xi-măng Sông Thao nổ mìn phá đá làm nguyên liệu. Tình trạng sụt lún đất đã làm nhiều ngôi nhà bị nứt, kể cả những ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố. Ông Lê Quang Tạo ở khu 3 cho biết, căn nhà ba tầng của gia đình xây dựng năm 1994. Nhà được xây dựng vững chắc với móng, dầm kiên cố và làm hết gần 100 tấn xi-măng. Thế nhưng bây giờ toàn bộ ngôi nhà đã bị nứt từ móng lên tới trần và từ tầng một lên tầng ba.
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Dân Phí Mạnh Hùng cho biết, tình trạng sụt lún đất chủ yếu tập trung ở khu 3 và khu 4, trong đó, riêng khu 3 đã có hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp. Hiện trong khu có 230 hộ với 500 khẩu, trong đó vẫn còn hơn 50 hộ có nhà bị hư hỏng nặng. Đáng chú ý, ở khu còn một trường mầm non đã có hiện tượng sụt nền nhà và nứt tường, rất nguy hiểm cho các cháu và nhiều nhà có hố sụt nằm trong nền nhà. Người dân sống trong vùng sụt lún vẫn từng ngày, từng giờ mòn mỏi chờ đợi những biện pháp khắc phục để sớm ổn định cuộc sống.
Theo UBND huyện Thanh Ba, hiện tượng sụt lún đất tại Ninh Dân đã từng xảy ra từ những năm 1990, tuy nhiên, chỉ xảy ra đơn lẻ trên phạm vi đất canh tác của người dân. Từ đầu năm 2011 đến nay, tình trạng này mới nghiêm trọng. Qua theo dõi, hiện tượng sụt lún đất thường xảy ra khi khí hậu có biến đổi, nhất là trong những tháng mùa mưa. Hiện nay, tình trạng sụt lún ngày càng có diễn biến phức tạp, các hộ dân trong vùng và khu vực lân cận đang rất hoang mang, lo sợ, đời sống sinh hoạt của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng chí Vi Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã Ninh Dân có khoảng 40 hố sụt (trong đó có bảy hố nằm trong đất thổ cư của nhà dân, ba hố nằm trên đường giao thông, 30 hố nằm trong đất ruộng và đất canh tác hoa màu của người dân). Các hố sụt, lún có đường kính trung bình từ năm đến chín m, độ sâu từ ba đến bảy m. Hơn 100 ngôi nhà của người dân gần khu vực này bị nghiêng, nứt tường nhà, trong đó có trường mầm non mới xây hai tầng kiên cố cũng bị nứt tường, sụt lún phòng, lớp học. Vào đầu tháng tư vừa qua, sau trận mưa lớn, tại khu 3 lại xuất hiện một hố sụt lún đất có đường kính ba đến bốn m, chiều sâu chưa xác định được, hố sụt đã ăn sâu vào móng nhà của hai hộ dân, kéo theo đó có bảy nhà dân chung quanh xuất hiện các vết nứt tường rộng từ một đến ba cm. Như vậy, tính đến thời điểm này, cả khu 3, 4 có 375 hộ sinh sống thì có 164 ngôi nhà bị nghiêng, nứt tường, sụt nền nhà. Đặc biệt, tình trạng sụt lún đất tại đây vẫn tiếp tục xảy ra với mật độ ngày càng lớn. Huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp xã Ninh Dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sụt lún, đồng thời khuyến cáo bà con cảnh giác để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, nhất là trong thời điểm hiện nay; chỉ đạo lấp hố sụt, nếu thấy nguy hiểm thì di dời bà con đến nơi an toàn và mong muốn các bộ, ngành có chính sách để hỗ trợ xây dựng khu tái định cư sớm di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần kiểm tra và chỉ đạo các ngành của tỉnh, huyện Thanh Ba tập trung khắc phục tình trạng sụt lún đất tại Ninh Dân. Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, huyện Thanh Ba và Công ty cổ phần xi-măng Sông Thao đã bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực bị sụt lún, xây dựng khu tái định cư, tổ chức giao đất tái định cư (đợt 1) cho 88 hộ dân ra xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống với tổng số tiền hơn 53 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đề xuất các biện pháp khắc phục và cơ chế đặc thù hỗ trợ nhân dân trong vùng sụt lún đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương giúp đỡ. Tiến hành quy hoạch, lập dự án khu tái định cư mới để di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm, trong năm 2013 phải di dời được 100 hộ dân và đến năm 2015 sẽ di dời hết 400 hộ dân trong vùng sụt lún.
Tuy nhiên, hiện nay, do số lượng phải di dời lớn, kinh phí nhiều (khoảng gần 300 tỷ đồng) nên việc di dời các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi chờ chủ trương của tỉnh, sự giúp đỡ của T.Ư, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu về tài sản và tính mạng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()