Sớm có quy định 'nới lỏng', phù hợp hơn với vận tải khách
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này sẽ sớm trình Bộ GTVT đề xuất mới điều chỉnh hướng dẫn về tổ chức vận tải hành khách về đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa phù hợp với điều kiện mới, bảo đảm các phương thức vận tải đồng bộ về quy định phòng dịch bệnh, vận tải an toàn, bảo đảm kết nối, lưu thông.
Thông tin đưa ra tại cuộc kiểm tra công tác phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán tại các bến xe, ga tàu Hà Nội do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chiều 26/1.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các bến xe, lượng khách năm nay giảm nhiều so với các năm trước, các bến xe đều vắng khách, các nhà xe đều thông báo còn vé, hành khách khi đến bến đều tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi lên xe…
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, bến xe và các nhà xe sẵn đã sàng phục vụ hành khách đi lại thuận tiện, bảo đảm an toàn trong dịp Tết.
Hiện, tại bến xe Nước Ngầm có 9 doanh nghiệp tăng giá vé từ 15-45%. Những ngày cao điểm, mỗi ngày có khoảng 100 xe xuất bến, bằng 50% so với thời điểm chưa có dịch. Bến xe đã huy động 100% cán bộ, nhân viên đi làm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, sắp xếp phương tiện khu vực bến xe gọn gàng hợp lý.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, dự kiến trong các ngày giáp Tết Nguyên đán, lượng khách qua bến sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành. Bình quân lượt khách trên xe sẽ chỉ đạt 50% tải trọng thiết kế.
Cụ thể, tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách qua bến dự kiến đạt khoảng 4.000 lượt khách/ngày và 380 lượt xe/ngày; bến xe Giáp Bát khoảng 4.200 lượt khách/ngày và 400 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm khoảng 1.600 lượt khách/ngày và 220 lượt xe/ngày.
Công ty CP Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị vận tải chuẩn bị tốt phương tiện, các bến xe bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như bảo đảm an ninh trật tự.
Với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đến nay Metro Hà Nội đã phục vụ hành khách 81 ngày chạy tàu an toàn, với hơn 1 triệu lượt khách, trung bình mỗi ngày vận chuyển 14.000 hành khách. Tới đây khi sinh viên, học sinh đi học trở lại, dự kiến lượng khách đi tàu tăng gấp đôi.
Tại ga Hà Nội, ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã chỉ đạo các đơn vị vận tải, nhà ga thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K, nhắc nhở hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi lên tàu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng địa phương bảo đảm tốt trật tự, an toàn trên tàu, dưới ga.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chuẩn bị đủ tàu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bằng khoảng 60% so với các Tết trước. Hiện, tuyến Hà Nội – TPHCM chạy hằng ngày 5 đôi tàu khách Thống Nhất. Các đoàn tàu tăng cường vào những ngày, những giờ cao điểm khi nhu cầu hành khách tăng đều được bố trí sẵn sàng. Trên tuyến cũng chạy nhiều tàu khu đoạn từ Hà Nội, TPHCM đi các tỉnh.
Ông Khánh cho biết, năm nay khách chủ yếu từ TPHCM đi các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, còn khách đi từ Hà Nội đi các tỉnh từ Huế trở ra vắng. Hiện, vé phục vụ hành khách đi tàu vẫn còn tương đối nhiều.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ Tết của các doanh nghiệp, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia lưu ý các doanh nghiệp vận tải cần thực hiện tốt hơn nữa các quy trình bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách cũng như các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, ông Hùng cũng cho rằng, thời điểm này khi Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, người dân hầu hết đều đã tiêm 2 mũi vaccine đòi hỏi phải có những quy định vận tải mới linh hoạt, phù hợp hơn.
Đồng tình với ý kiến của Ủy ban ATGT Quốc gia, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ sớm trình Bộ GTVT đề xuất mới điều chỉnh hướng dẫn về tổ chức vận tải hành khách về đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa phù hợp với điều kiện mới, bảo đảm các phương thức vận tải đồng bộ về quy định phòng dịch bệnh, vận tải an toàn, bảo đảm kết nối, lưu thông.
Ý kiến ()