Sôi sục không khí giành chính quyền ở Lạng Sơn
(LSO) – Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ðảng ta từ khi ra đời bị khủng bố dã man, đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền và xã hội.
Ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Các tỉnh, thành đã hưởng ứng nhiệt liệt.
Tại Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo của Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, lực lượng cách mạng đã khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện và trên địa bàn toàn tỉnh từ tháng 4/1945 đến ngày 25/8/1945. Lạng Sơn là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm trong cách mạng Tháng Tám. Từ căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, các chi hội Cứu Quốc quân đã về hoạt động mạnh ở các xã thuộc châu Hữu Lũng. Đầu tháng 4/1945, quân cách mạng ở xã Vân Nham đã nổi dậy phá kho thóc của địch ở Phổng, đem phân phát cho dân các xã xung quanh. Ngày 15/4/1945, quân khởi nghĩa đã tấn công đồn Mẹt, buộc chính quyền địch phải đầu hàng. Sau khi làm chủ được châu lỵ, Ban Việt Minh châu được thành lập.
Cột cờ Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn. Ảnh: BÙI THUẬN
Ngày 18/4/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã tiến vào giải phóng châu lỵ Bắc Sơn, giải tán chính quyền của địch, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi. Ngày 19/4/1945, trung đội vũ trang đã tiến công đồn Bình Gia, quân khởi nghĩa nhanh chóng làm chủ châu lỵ. Đầu tháng 7, một đội vũ trang do đồng chí Hoàng Văn Kiểu trực tiếp chỉ huy, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng cách mạng xung quanh châu lỵ, tiến công đánh chiếm đồn Điềm He, sào huyệt tập trung của quân Pháp và bọn tay sai. Sau vài tiếng đồng hồ chống cự yếu ớt, quân địch hoàn toàn bị tiêu diệt và bị bắt, quần chúng hoàn toàn làm chủ châu lỵ. Cùng ngày, cũng tại Điềm He, Tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, làm lễ tuyên bố chính quyền đã thuộc về nhân dân.
Ngày 15/8/1945, hơn 800 tự vệ và nhân dân có vũ trang kéo vào Ôn Châu (châu lỵ Chi Lăng) buộc quân Nhật phải giao vũ khí; quân cách mạng chia 100 tấn thóc và 5 tấn muối cho dân, rồi tổ chức mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 18/8/1945.
Tại huyện Tràng Định, quân ta đã thuyết phục được tên tri phủ và bang tá, giúp quân khởi nghĩa tiếp quản thị trấn Thất Khê vào ngày 21/8/1945. Trước khí thế thắng lợi dồn dập của quân cách mạng, quân Nhật vội vã đốt kho vũ khí và đồ dùng rồi tháo chạy khỏi Na Sầm (châu lỵ Thoát Lãng). Ngày 22/8/1945, quân ta tiếp quản Thoát Lãng và mít tinh, thành lập chính quyền.
Tại thị xã Lạng Sơn, bọn Đại Việt (tay sai của Nhật), định thành lập chính quyền nhưng không thành. Việt Minh yêu cầu quân Nhật nộp vũ khí và phải cử đại diện vào chiến khu (Ba Xã) bàn giao để quân giải phóng tiếp quản tỉnh lỵ. Trước khí thế áp đảo của lực lượng cách mạng, ngày 25/8/1945, ta cử hai đại đội giải phóng quân và đông đảo nhân dân xuất phát từ Ba Xã, Bằng Mạc, Điềm He vào giải phóng thị xã Lạng Sơn, đồng thời cho quân Nhật rút về Đồng Mỏ. Nhân dân Cao Lộc, Đồng Đăng vui mừng, rầm rập mang cờ, hoa, khẩu hiệu ra đón quân khởi nghĩa. Trong cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của cách mạng, tên tỉnh trưởng bù nhìn phải trao lại chính quyền cho Việt Minh trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân ở Kỳ Lừa, thị xã Lạng Sơn. Sau đó, quân khởi nghĩa chiếm các công sở, các vị trí quan trọng ở thị xã và thu phục toàn bộ lưc lượng bảo an binh. Ngày 28/8/1945, quân giải phóng tiến vào huyện Lộc Bình, là huyện cuối cùng của Lạng Sơn được giải phóng.
Thời gian sẽ đi qua, nhưng dấu ấn của lịch sử và giá trị văn hóa, vật thể và phi vật thể sẽ vĩnh viễn trường tồn và in đậm trong trái tim, khối óc của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cách mạng Tháng Tám đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết, gắn bó lâu đời của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng. Đảng bộ Lạng Sơn đã và đang vận dụng thành công bài học kinh nghiệm đó trong công cuộc đổi mới và hội nhập ngày nay.
Giành chính quyền từ tay phát xít Nhật đúng một ngày thì ngày 26/8/1945, trên 12 vạn quân Tưởng với danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật đã tiến vào thị xã. Đầu tháng 7/1946, quân Pháp quay lại chiếm đóng thị xã Lạng Sơn. Cùng cả nước, quân dân các dân tộc Lạng Sơn lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ lâu dài và gian khổ và đã giành thắng lợi sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiến tới hội nhập quốc tế.
MAI TÙNG (TP Lạng Sơn)
Ý kiến ()