Công trình Cung Trí thức do COMA làm nhà đầu tư theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT). Công trình được xây dựng tại khu đô thị mới Cầu Giấy, với tổng diện tích 6.668 m2 đất, gồm hai khối nhà cao 3 và 15 tầng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 202 tỷ đồng, khởi công từ tháng 6-2007. Đây sẽ là trụ sở làm việc của Hội Văn học – Nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật thành phố Hà Nội, một số hội nghề nghiệp của thành phố, là nơi sinh hoạt văn hóa của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức TP Hà Nội. Cung Trí thức là món quà có ý nghĩa của TP Hà Nội dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Cung Trí thức được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
3,3 triệu bài dự thi tìm hiểu “Thăng Long- Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng”
Ngày 4-10, tại Nhà hát Lớn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng”. Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi dự.
Phát động từ tháng 10-2009, cuộc thi được triển khai rộng khắp cả nước và ở nước bạn Lào, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, thiết thực, ý nghĩa trong tuổi trẻ cả nước, hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ban tổ chức đã nhận được gần 3,3 triệu bài dự thi. Một số đơn vị có bài dự thi cao như: Hà Nội hơn 720 nghìn bài, Bắc Ninh 231 nghìn bài, Hải Dương 175 nghìn bài, Đồng Nai 103 nghìn bài, Hà Tĩnh 152 nghìn bài… Nhiều bài thi được đầu tư công phu, sưu tầm nhiều tài liệu, tranh, ảnh, trình bày sáng tạo bằng các hình thức và chất liệu độc đáo như: cuốn thư, hình rồng, thư pháp, cờ hội, nón lá, vi-đê-ô clip… Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Vũ Duy Bính 100 tuổi (Hà Nội); nhỏ tuổi nhất là em Ngô Hoàng Khánh Văn (lớp 2E, Trường tiểu học Mai Động, Hà Nội). Bài dự thi có số lượng trang nhiều nhất là 1.261 trang, được chia thành năm tập của tác giả Châu Hồng Tâm (Bình Định). Đáng chú ý có một số cá nhân tham gia dự thi: ông Stê-ven Ta-ít, người Ca-na-đa, trình bày bài thi trên năm chiếc nón lá; Nguyễn Duy Khánh, 9 tuổi, học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), làm bài dự thi bằng chữ nổi; Nguyễn Thị Linh ở Đác Lắc, làm bài dự thi bằng chữ dân tộc thiểu số… Kết quả cuộc thi, có 84 giải cá nhân, trong đó giải đặc biệt thuộc về Đoàn cơ sở Trung đoàn BB38, Sư đoàn BB 2, Quân khu 5; giải nhất thuộc về Vũ Tuấn Cường, Đoàn thanh niên Công ty Cavico Việt Nam; 39 giải tập thể, trong đó giải đặc biệt thuộc về Ban tổ chức cuộc thi thành phố Hà Nội, giải nhất là Ban tổ chức cuộc thi Ban Thanh niên Quân đội. Ngoài ra, còn có tám giải thưởng dành cho các cá nhân có bài dự thi ấn tượng.
Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”
Chiều 4-10, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tổ chức họp báo về hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với chủ đề “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Đến dự, có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.
Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9-10, do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Hội thảo sẽ có sự tham gia của hơn 500 đại biểu, trong đó có 146 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, LB Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Ô-xtrây-li-a, Lào và Thái-lan. Hội thảo sẽ làm sáng tỏ những giá trị, truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong lịch sử phát triển 1000 năm qua của Thủ đô Hà Nội, trong đó, cốt lõi là các giá trị truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong những thập kỷ tới. Hơn 150 tham luận tại hội thảo sẽ tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính, bao gồm: Các vấn đề lịch sử – chính trị gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước; nhóm vấn đề về các giải pháp văn hóa nhằm phát huy giá trị và truyền thống tốt đẹp của Thăng Long – Hà Nội trong bối cảnh mới; nhóm vấn đề về những đề xuất trước mắt và lâu dài nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng kinh tế-xã hội của Thủ đô; Những thế mạnh, giá trị và tiềm năng của các nguồn tài nguyên, những vấn đề đang đặt ra của môi trường sinh thái, quy hoạch không gian, quy hoạch kiến trúc đô thị.
Chương trình nghệ thuật múa “Thăng Long – Hà Nội mở hội tìm lại dấu xưa”
Tối 4-10, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Gươm, Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật múa cổ với chủ đề: “Thăng Long – Hà Nội mở hội tìm lại dấu xưa”.
Chương trình được xây dựng với trí tuệ và tâm huyết của các nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, với chín điệu múa cổ tiêu biểu gồm 11 tiết mục đặc sắc. Các điệu múa cổ này được chọn lọc trong 30 điệu múa cổ Thăng Long – Hà Nội đã được Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội nghiên cứu và phục hồi. Chương trình có sự tham gia của các học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Múa Việt Nam và nghệ nhân các làng: Phù Đổng, Lệ Mật, Chử Xá, Tân Triều, Phù Nhiêu… Các diễn viên và nghệ nhân đã trình diễn những điệu múa cổ của Thăng Long xưa; mở đầu bằng điệu múa Lửa thiêng của học sinh Trường cao đẳng Múa Việt Nam. Tiếp theo là các điệu múa: Trống cổ, Hội Gióng, Trống bồng, Giảo Long, Lục cúng, Bài bông… Điệu múa trống và hòa tấu trống xã Phú Mỹ, Phú Xuyên đã tạo ra muôn vàn âm thanh và những vũ điệu đẹp, hấp dẫn, tưng bừng rộn rã đón chào 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt là điệu múa chạy cờ của làng Triều Khúc, đặc trưng trong lễ hội làng thể hiện khí thế thượng võ của dân tộc chống ngoại xâm, cùng với múa chạy cờ, múa rồng mang âm hưởng linh thiêng của hào khí Thăng Long… Chương trình đã thu hút hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách quốc tế.
Triển lãm chào mừng Đại lễ
Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chiều 4-10, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc triển lãm Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam. Triển lãm trưng bày hơn 500 hiện vật được chia làm ba phần: Việt Nam đất nước con người, Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa, Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Đây là những tư liệu, hình ảnh trong đó có nhiều hiện vật gốc quý hiếm, phản ánh một cách khái quát về đất nước và con người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nội dung trưng bày có thời kỳ dựng nước (thế kỷ 7 đến thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) gắn thời Hùng Vương xây dựng Nhà nước Văn Lang và thời An Dương Vương với nhà nước Âu Lạc. Hiện vật có trống đồng, thạp đồng, thố đồng, các loại rìu thuộc văn hóa Đông Sơn… Bên cạnh đó là những hình ảnh, tư liệu hiện vật về thân thế và sự nghiệp của Vua Lý Thái Tổ trong đó nổi bật là sự kiện mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Triển lãm cũng khắc họa những nét khái quát nhất về thân thế và sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam như Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt…
Phòng trưng bày còn dành một không gian trang trọng giới thiệu những tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam như: Bản gốc tập “Nhật ký trong tù”, bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi Bắc – Trung – Nam” vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu năm 1947; bản thảo các bài viết của Người trên giấy tận dụng thể hiện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, v.v. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 31-12.
* Ngày 4-10, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, tổ chức triển lãm “Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tham gia triển lãm còn có bảo tàng các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Triển lãm giới thiệu mười trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đó là các trận Bạch Đằng (năm 938), Như Nguyệt (năm 1077), Đông Bộ Đầu (năm 1258), Bạch Đằng (năm 1288), Chi Lăng – Xương Giang (năm 1427). Rạch Gầm Xoài Mút (năm 1785), Ngọc Hồi Đống Đa (năm 1789), Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), Trận Điện Biên Phủ trên không (năm 1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975).
Với hơn 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, triển lãm phản ánh nghệ thuật đánh giặc tài tình, sáng tạo của ông cha ta, qua đó giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời giới thiệu với khách tham quan hình ảnh một nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng gan góc, kiên cường đã đánh bại các thế lực ngoại bang hùng mạnh qua các thời đại.
* Chiều 4-10, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm – liên hoan thư pháp Thăng Long – Hà Nội. Triển lãm – liên hoan thư pháp lần này giới thiệu hơn 250 bức thư họa, thư pháp theo ba chủ đề: Văn hiến Thăng Long – Hà Nội, Giáo dục khoa cử, Cảnh đẹp Thăng Long – Hà Nội, do gần 50 thư pháp gia từ 25 đến 90 tuổi, đến từ mọi miền đất nước, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau: giấy, gỗ, đồng, đồ gốm, hoa… Trong đó có nhiều tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng như: Bức thư pháp “Chiếu dời đô” bằng đồng dài 3m; Cuốn sách Bình Ngô đại cáo nặng 200 kg, dài 1,6 m, rộng 1,1 m viết bằng chữ Hán; Bức Ngũ bình sơn mài chạm khắc phong cảnh Thủ đô và những áng văn thơ nổi tiếng về Hà Nội… Toàn bộ khu vực sân nhà Thái Học được dựng thành các khu nhà bát giác, long đình để tái tạo không gian xưa với bàn viết, mực tàu và những văn sĩ cho chữ. Nơi đây diễn ra những màn trình diễn viết thư pháp độc đáo phục dựng các tích truyện lịch sử đã được sân khấu hóa công phu như: Màn viết chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” trên lá cờ lớn tái hiện khung cảnh Trần Quốc Toản ra quân; màn viết chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” trên lá cây dựng lại câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; viết chữ trên quạt, chạm khắc chữ trên gỗ… Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 14-10.
* Sáng 4-10, tại Trung tâm văn hóa Thông tin Thừa Thiên – Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Thông tấn xã Việt Nam tại Thừa Thiên – Huế tổ chức triển lãm ảnh “Thừa Thiên – Huế chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Đây là hoạt động thể hiện tình kết nghĩa truyền thống, gắn bó keo sơn Hà Nội – Huế – Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”.
Triển lãm trưng bày 100 bức ảnh đen trắng và mầu giới thiệu về Thăng Long – Hà Nội, về Thừa Thiên – Huế và Cố đô Huế với các nội dung: các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thừa Thiên – Huế; Hà Nội những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc xây dựng hòa bình; phong cảnh, kiến trúc, lăng tẩm và cuộc sống ngày thường ở Hà Nội và Thừa Thiên – Huế; hoạt động đặc trưng trong các lễ hội, festival Huế và một số hình ảnh tiêu biểu khác về quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội và Thừa Thiên – Huế trong công cuộc đổi mới. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức biên tập, và in tặng TP Hà Nội 1.000 cuốn sách với tiêu đề: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn như cây một cội, như con một nhà”.
Ý kiến ()