Sôi động thị trường Tết Nguyên đán Quý Tỵ
Không đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, sức mua hàng hóa ở khu vực phía Nam bắt đầu sôi động. Lượng khách đến các siêu thị, trung tâm thương mại đã tăng dần, tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ, không khí mua bán đã trở nên náo nhiệt hơn hẳn những ngày thường.Không lo thiếu hàng TếtNgười tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, không lo thiếu hàng hóa trong dịp Tết (Ảnh: K.V)Theo ngành chức năng những địa phương khu vực phía Nam, dịp Tết Nguyên đán năm nay, mặc dù giá các loại thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trứng đều có biến động, tuy nhiên với sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành và địa phương, hiện giá cả đã ổn định trở lại. Dự báo nguồn cung đủ và giá sẽ không tăng đột biến trong dịp trước và sau Tết.Tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opMart, CitiMart, Big C, Metro…trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước…không khí mua sắm như nhộn nhịp hẳn lên vì...
Không đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, sức mua hàng hóa ở khu vực phía Nam bắt đầu sôi động. Lượng khách đến các siêu thị, trung tâm thương mại đã tăng dần, tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ, không khí mua bán đã trở nên náo nhiệt hơn hẳn những ngày thường.
Không lo thiếu hàng Tết
Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, không lo thiếu hàng hóa trong |
Theo ngành chức năng những địa phương khu vực phía Nam, dịp Tết Nguyên đán năm nay, mặc dù giá các loại thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trứng đều có biến động, tuy nhiên với sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành và địa phương, hiện giá cả đã ổn định trở lại. Dự báo nguồn cung đủ và giá sẽ không tăng đột biến trong dịp trước và sau Tết.
Tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opMart, CitiMart, Big C, Metro…trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước…không khí mua sắm như nhộn nhịp hẳn lên vì sức mua bắt đầu tăng mạnh. Theo các nhà bán lẻ, đây là giai đoạn bước vào cao điểm mua sắm trong dịp Tết.
Năm nay, do các địa phương tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, cùng với sự chủ động linh hoạt trong khâu cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp, do đó, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại ở khu vực phía Nam đã thực hiện nghiêm túc và chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 70% đến 80% so với kế hoạch của chương trình phục vụ thị trường Tết 2012.
Tại Bình Dương, thông tin từ các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh này cho biết, sức mua trong những ngày qua đã bắt đầu tăng tới 30% đến 40% so với ngày thường. Nhằm bảo đảm hàng hóa đáp ứng yêu cầu phục vụ Tết, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp bán lẻ liên kết tạo nguồn hàng, đưa các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, nước giải khát và hoa quả… về bán tại các địa bàn thuận lợi để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Dự kiến sức mua trong dịp Tết năm nay có thể tăng 30% so với năm trước. Trong các mặt hàng thiết yếu, thời gian qua có những tin đồn về chất lượng thịt gia súc gia cầm, việc nhập khẩu các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến giá thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nhiều loại chi phí khác tăng làm người chăn nuôi phải chịu lỗ dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải giảm đàn, treo chuồng, giãn tiến độ đầu tư. Điều này phần nào làm cho người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, gần đến Tết khi giá các mặt hàng này tăng trở lại về mức hợp lý, người chăn nuôi đã yên tâm tái đàn, chăn nuôi mạnh trở lại. Qua đó đưa tổng đàn gia súc, gia cầm đang tăng lên nhanh chóng nên sẽ không thiếu vào dịp Tết năm nay.
Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết, dự kiến số lượng gia súc gia cầm sẽ cung ứng tại tỉnh vào dịp Tết là trên 44 nghìn con lợn; trên 5 nghìn con trâu, bò; trên 764 nghìn con gia cầm và trên 7 triệu quả trứng gia cầm. Còn về rau, củ, quả, các doanh nghiệp có thể cung ứng đạt hàng chục nghìn tấn… Vì vậy người tiêu dùng nên yên tâm, không lo thiếu hàng và tăng giá. Để bình ổn hàng hóa, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã triển khai niêm yết trên 100 mặt hàng tham gia bình ổn thị trường tết thuộc 5 nhóm hàng chính gồm lương thực, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ và một số mặt hàng khác. Các điểm bán hàng bình ổn tập trung ở các siêu thị tại thành phố Thủ Dầu Một và các huyện, thị xã. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức 82 điểm bán hàng lưu động phục vụ cho các vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp đưa hàng hóa bình ổn về với nhân dân vùng sâu, vùng xa.
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán 2013 được tốt nhất cho người tiêu dùng, nhiều đơn vị đã tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, địa phương này đã dự trữ được 1,2 nghìn tấn thịt lợn, gà; hơn 1,6 nghìn tấn gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt. Ngoài ra còn có 900 tấn nước chấm, 225 tấn sản phẩm chế biến và khoảng 3,6 triệu trứng gà, vịt. Được biết, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã chỉ đạo cho các công ty thành viên đầu tư, ứng vốn và thu mua từ các đơn vị chăn nuôi với tổng sản lượng 468 tấn thịt lợn, 81 tấn thịt gà. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chăn nuôi Bình Minh dự trữ khoảng 120 tấn thịt gà và trang bị 15 xe vận chuyển chuyên dùng, đảm bảo cung ứng kịp thời đến các điểm bình ổn và các địa bàn có biến động giá trong vòng 2 giờ. Công ty cổ phần lương thực Sài Gòn dự trữ 80 tấn gạo các loại tham gia bình ổn giá. Công ty cổ phần Bibica cung cấp ra thị trường 1 nghìn tấn bánh hộp tết, gần 5 nghìn tấn kẹo. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng tham gia dự trữ trên 24 tấn đường, gạo và gần 4 tấn dầu ăn. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 200 chợ nằm trong quy hoạch đang hoạt động, tham gia phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tại thành phố Cần Thơ, điều dễ nhận thấy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ ở đây là rất da dạng, phong phú về các loại bánh kẹo, những ngày này, thị trường bánh kẹo Tết tại thành phố Cần Thơ đã bước vào cao điểm mua sắm. Anh Nguyễn Thanh Hà, người dân quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết, sau ngày 23 tháng Chạp cũng ông Công, ông Táo, thị trường ở nơi đây đã tấp nập, sôi động hẳn lên, theo cảm nhận của anh Hà thì lượng hàng hóa, nhất là bánh kẹo và trái cây phục vụ Tết năm nay rất phong phú về chủng loại và được tập kết nhiều tại các siêu thị cũng như chợ truyền thống, điều này cho thấy các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng trong ngày Tết là không thiếu. Cũng như mọi năm, bánh kẹo Tết chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, các thương hiệu như Bibica, Kinh Đô, Vinabico…đang chiếm thị phần lớn trên thị trường ở thành phố Cần Thơ. Sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp… được xem là những lợi thế cạnh tranh của bánh kẹo trong nước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bất chấp mối lo suy thoái, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào sức mua tăng nhờ vào chiêu thức giảm giá, khuyến mãi. Giới kinh doanh cho hay thị trường hàng hóa Tết khởi động muộn hơn so với năm ngoái do năm nay nhuận 2 tháng. Dù vậy, nguồn hàng vẫn sẽ dồi dào vì sức mua được dự báo vẫn tăng cao do tâm lý tiêu dùng, ai cũng muốn có cái Tết đầm ấm, no đủ.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Bánh kẹo Việt đang chiếm lĩnh thị trường trong dịp Tết Nguyên đán |
Thời điểm này, thị trường hàng hóa phục vụ Tết ở các địa phương phía Nam đã được bày bán nhiều hơn ngày thường với đa dạng các chủng loại, phong phú về mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Có thể thấy, năm nay, hàng sản xuất trong nước chiếm đa số hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, điều đặc biệt là Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động đã tạo được hiệu ứng tích cực và được đông đảo người tiêu dùng tham gia hưởng ứng.
Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng đại lý bánh kẹo trên đường Đồng Khởi, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu như những năm trước người tiêu dùng thường chọn các loại bánh, kẹo nhập ngoại để sử dụng và làm quà biếu trong dịp Tết thì nay nhiều người tiêu dùng đã hướng đến chọn hàng sản xuất trong nước. Hàng sản xuất trong nước cũng rất đa dạng, vào dịp tết các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… đều đưa ra thị trường sản phẩm mới. Nhiều doanh nghiệp còn đổi mới cả về bao bì, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cùng với đó, các mặt hàng sản xuất trong nước có giá cả phải chăng, phù hợp với khả năng của nhiều người tiêu dùng.
Chị Lương Thị Lan, người dân phường 12 thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cho hay, thăm quan các sản phẩm trưng bày tại cửa hàng bánh kẹo ở thành phố Vũng Tàu, tôi thấy các mặt hàng sản xuất trong nước cũng rất đa dạng, do vậy, tôi sẽ lựa chọn hàng sản xuất trong nước vì có giá cả hợp lý và sử dụng cũng yên tâm.
Rõ ràng, với nguồn gốc xuất xứ minh bạch, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, hàng hóa Tết năm nay đang nghiêng hẳn về hàng nội. Trong tất cả các lĩnh vực từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh cho đến trái cây, bánh kẹo…, hàng Việt đều chiếm ưu thế. Cách đây ba năm, thị trường tràn lan các loại mứt Tết nhập từ Trung Quốc, mứt không nguồn gốc xuất xứ, nhưng năm nay, chiếm lĩnh thị trường mứt Tết là các loại mứt sản xuất tại Việt Nam. Chợ Bình Tây ở thành phố Hồ Chí Minh, những năm trước, mỗi khi Tết về, nơi đây tràn ngập mứt có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng Tết năm nay, mứt Việt đã chiếm đa số. Điều đáng nói là hầu hết các loại mứt này đều được đóng hộp, đóng gói ghi rõ tên nhà sản xuất, thành phần, thời hạn sử dụng.
Không chỉ mứt, bánh kẹo nội địa cũng chiếm ưu thế. Có mặt tại các siêu thị, bánh kẹo Việt còn tràn ngập tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa và sạp chợ. Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Bibica cho biết, ngay từ đầu mùa Tết, công ty đưa ra kế hoạch sản xuất 1.200 tấn bánh kẹo các loại, tăng 15% so với năm ngoái. Hiện, sản lượng tiêu thụ của Công ty đã vượt chỉ tiêu. Thậm chí, một số mặt hàng không cung ứng kịp. Cũng như Bibica, Công ty Kinh Đô đưa ra thị trường 3.800 tấn bánh kẹo, đến nay sản lượng tiêu thụ đã vượt kế hoạch.
Có được kết quả trên là do trong thời gian qua, nhiều hoạt động kích cầu liên tục được thực hiện giúp hàng Việt đến với người tiêu dùng trong nước. Ngay từ đầu tháng 12/2012, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức chương trình “Ngày hội tung hàng Tết”. Không chỉ có doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn có hàng nghìn tiểu thương tham gia chương trình này. Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với các tỉnh tổ chức chương trình kết nối hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất của các tỉnh với các hệ thống phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các siêu thị đã cam kết sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa địa phương và hiện tại, đặc sản các tỉnh đã tràn đầy các siêu thị.
Ngoài những chương trình do các cơ quan đứng ra tổ chức, ngay chính các doanh nghiệp cũng liên kết với nhau để đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá hàng Việt trong mùa Tết này. Hệ thống siêu thị Co.opmart liên kết với Trung tâm kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Công ty Bidrico thực hiện chương trình “Giỏ quà Tết Việt” với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, là những món được người Việt thường dùng khi đón Tết cổ truyền như nước mắm, nước ngọt, bánh dừa, kẹo dừa, mứt… Để ưu tiên cho hàng Việt, từ nhiều năm nay, ban lãnh đạo Saigon Co.op chủ trương chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng hóa nhập khẩu, đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị. Đơn vị này còn vận động cán bộ nhân viên, khách hàng trở thành “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng hàng Việt. Tất cả các hoạt động này đều hướng tới việc để mở đường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tốt nhất.
Có thể thấy, sức tiêu thụ bánh kẹo Tết trên thị trường đang “nóng” dần lên, cùng đó là sự xuất hiện ngày một nhiều các điểm kinh doanh. Một điều đáng mừng là trong dịp mua sắm đón Tết Nguyên đán năm nay, đa phần người Việt Nam đã tin dùng hàng Việt Nam và dành cho hàng sản xuất trong nước một tình cảm yêu thương, tin cậy, với mong muốn, hàng Việt luôn đồng hành cùng cuộc sống của mỗi gia đình Việt.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()