Hàng hóa dồi dào, phong phú
Vài năm trở lại đây, do thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi, chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu, chứ không mua ồ ạt dự trữ hàng Tết như trước, nên sức mua trên thị trường thường chỉ tăng mạnh vào thời điểm sát Tết. Do đó, để bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá, Bộ Công thương đã chủ động chỉ đạo các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các điểm bán hàng bình ổn giá chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 20% so với năm 2015, với tổng giá trị hàng hóa hơn 230 nghìn tỷ đồng. Từ nhiều tháng trước, các siêu thị lớn đều đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, cam kết không có biến động lớn về giá cho tất cả nhóm hàng, nên NTD có thể yên tâm mua sắm Tết mà không lo bị thiếu hàng, tăng giá. Có mặt tại siêu thị Vinmart Royal City (Hà Nội) vào thời điểm này, hàng Tết được bày bán với số lượng rất lớn, trong đó, nhiều mặt hàng như giỏ quà Tết, bánh mứt, trà, rượu bia, nước ngọt, lạp xường,… được tập trung trưng bày ở khu vực trung tâm để khách hàng dễ dàng nhận biết. So với một tuần trước, lượng khách hàng tới đây mua sắm bắt đầu tăng đột biến vào khung giờ cao điểm. Các mặt hàng tại đây cũng rất đa dạng, từ nước ngọt, thạch rau câu đến các loại hạt, như hướng dương, dẻ cười, bí, nho khô,…
Theo phản ánh của một số khách hàng, năm nay giá các loại mặt hàng Tết, tuy có tăng nhưng không đáng kể. Chị Bùi Thị Thu Huyền, sống tại tòa nhà R1 khu đô thị Royal City (Hà Nội) cho biết, dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết, nhưng chị và gia đình đã mua sắm gần như đầy đủ cho Tết này. Theo chị, các siêu thị năm nay nhập hàng Tết khá sớm với nhiều sản phẩm phục vụ NTD, nhất là mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu, bia, giỏ quà Tết hay các mặt hàng lương thực, thực phẩm với giá cả phải chăng, cùng nhiều chương trình giảm giá cho khách hàng. Các giỏ quà Tết có giá bán khá hợp lý, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng, dao động từ 150 nghìn đồng/giỏ đến khoảng một đến hai triệu đồng/giỏ. Một số mặt hàng kẹo bán theo cân, nhưng vẫn bảo đảm nguồn gốc, như kẹo sữa dừa giá 64.900 đồng/kg, kẹo sô-cô-la Soly giá 105.900 đồng/kg, thạch rau câu giá 21 đến 37 nghìn đồng/kg tùy loại,…
Theo cô Bích Hà, chủ một cửa hàng bán lẻ tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), năm nay có nhiều cơ quan, DN đặt quà Tết cho người lao động và liên hoan cuối năm khá sớm, nên thị trường bia, rượu, nước ngọt thời điểm này trở nên sôi động, một số sản phẩm tăng giá từ 10 đến 20 nghìn đồng/thùng 24 lon so thời điểm cách đây một tháng. Cụ thể, bia Hà Nội có giá 240 nghìn đồng/thùng, bia 333 giá 230 nghìn đồng/thùng, bia Heineken giá 385 nghìn đồng/thùng, bia Tiger giá 305 nghìn đồng/thùng, bia Saporo giá hơn 330 nghìn đồng/thùng,… Các loại nước ngọt như Coca Cola có giá 194 nghìn đồng/thùng, Pepsi giá 172 nghìn đồng/thùng,… Ngoài bán những mặt hàng trong nước, các cửa hàng kẹo bánh, rượu bia trên phố Hàng Buồm cũng bày bán rất nhiều loại rượu nhập khẩu từ nước ngoài, có thiết kế kiểu hộp phù hợp để làm quà biếu Tết. Giá những mặt hàng này dao động tùy thương hiệu và độ lâu năm của rượu, không có hiện tượng “cháy hàng” và giá gần như không thay đổi so với mọi năm, như rượu Blue Label có giá khoảng 3 – 4,5 triệu đồng/hộp, Chivas Regal 12 giá khoảng 700 nghìn đồng/chai, Chivas Regal 18 hơn 1,5 triệu đồng/chai,…
Vẫn lo ngại hàng giả, hàng nhái
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2015, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 104 nghìn vụ vi phạm (tăng 11,2% so năm 2014); thu nộp ngân sách 460 tỷ đồng; giá trị hàng tịch thu khoảng 133 tỷ đồng (tăng 44,5 tỷ đồng so năm 2014); khởi tố hình sự 1.123 vụ với 1.281 đối tượng,… Mặc dù các lực lượng chức năng đã đấu tranh quyết liệt, song tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, nhất là với các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh như rượu bia, bánh kẹo, mứt,… trong dịp Tết Bính Thân này. Từ những vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện, xử lý gần đây cho thấy, quy mô sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, trắng trợn. Theo Sở Công thương TP Hà Nội, năm qua, các công ty bánh kẹo nổi tiếng trong nước phải đối mặt hơn 5.000 tấn sản phẩm bánh, mứt, kẹo nhái thương hiệu.
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Lê Thế Bảo cho rằng, trước đây, việc nhái sản phẩm của các thương hiệu trên thị trường rất khó, do các đối tượng làm giả chưa in ấn tinh xảo, hình thức đóng gói thủ công, nên NTD có thể nhận biết. Nhưng hiện nay, công nghệ in ấn, làm giả đã rất tinh vi, gần như không có sự khác biệt với hàng thật, nên NTD rất khó nhận biết, thậm chí ngay cả lực lượng chức năng đôi lúc còn phải sử dụng đến thiết bị hỗ trợ mới có thể xác định. Chưa bao giờ NTD lại bị bủa vây bởi hàng giả, hàng nhái nhiều như hiện nay. Vì vậy, để từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng buôn bán công khai hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng QLTT cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát và đi sâu vào lĩnh vực thị trường được phân công quản lý; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ.
Nhằm bình ổn thị trường dịp cận Tết và giám sát chất lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền cho biết, Bộ đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, yêu cầu lực lượng QLTT huy động lực lượng, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, truy quét các ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát chất lượng, giá bán hàng hóa tại các hội chợ,… Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã thành lập sáu đoàn công tác triển khai đến các địa phương để thực hiện việc chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới. Bộ cũng đề nghị các cơ quan chức năng mở các chuyên án điểm, “đánh” vào các mặt hàng nhập lậu tiêu thụ nhiều, như rượu bia, thuốc lá, đồ uống để nhân dân được đón Tết Nguyên đán Bính Thân an toàn và ấm cúng.
Nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán này chắc chắn sẽ tăng khoảng 15-20% so những năm trước, nhưng không tăng đột biến, bởi tồn tại khoảng cách giữa sức mua với thu nhập. Hiện tại, sức mua của nhóm giàu (chiếm khoảng 20%) vẫn được duy trì, không thay đổi, còn sức mua nhóm nghèo (chiếm 80%) tuy đã cải thiện song chưa nhiều. Thời gian tới, hàng loạt siêu thị sẽ tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu và hướng vào nhóm đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên. Vũ Vinh Phú Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Ý kiến ()