Sôi động thị trường bánh trung thu
Thị trường bánh trung thu năm nay được dự báo tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt giữa các nhãn hiệu lớn đã khẳng định được uy tín và thương hiệu lâu năm như: Kinh Đô, Long Đình, Hữu Nghị,...
Do thị trường bánh trung thu hầu như không có rào cản gia nhập, nên các công ty, hộ gia đình, cá nhân cũng tự sản xuất, khiến việc bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đa dạng chủng loại
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngay cuối tháng 6 âm lịch các hãng sản xuất bánh trung thu đã dựng các quầy, sạp bày bán, giới thiệu sản phẩm với rất nhiều mẫu mã đẹp mắt, đa dạng chủng loại. Ngoài những thương hiệu quen thuộc và các loại bánh trung thu gia truyền đắt khách, thì vài năm trở lại đây, thị trường có thêm các hãng ngoại như Paris Gateaux, Tous Les Jours, Paris Baguette,… khiến thị trường bánh trung thu càng trở nên sôi động. Điều đáng ghi nhận của thị trường bánh trung thu năm nay là việc các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng với nhiều nguyên liệu mới, mẫu mã và bao bì rất đa dạng, nhiều mầu sắc, tạo nên những hộp bánh trung thu độc đáo, có giá tiền phù hợp tất cả đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sức mua của người tiêu dùng (NTD) hiện vẫn chưa cao, chủ yếu “thăm dò” giá cả và tranh thủ khảo sát các loại hàng xem mẫu mã, nguyên liệu có gì mới. Chị Hạnh, quản lý một ki-ốt bày bán bánh trung thu trên đường Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết, khoảng hai tuần nay, ki-ốt của chị mỗi ngày chỉ bán được khoảng mười chiếc bánh. Các loại nhân bánh rất phong phú như: Bào ngư, gà quay, nấm đông cô, đậu đỏ,… với trọng lượng mỗi chiếc từ 120 đến 250 gam, loại bánh to có trọng lượng 800 gam. Giá bánh các loại dao động trong khoảng từ 40 đến 70 nghìn đồng/cái cho loại bánh có trọng lượng dưới 150 gam; từ 60 đến 160 nghìn đồng/cái cho các loại bánh trên 250 gam; đối với các loại bánh trọng lượng 800 gam có giá dao động từ 300 đến 470 nghìn đồng/cái.
Là một trong những đơn vị đưa sản phẩm bánh trung thu ra thị trường từ sớm, đại diện Công ty cổ phần Bibica cho biết, đã tung ra 600 tấn bánh với khoảng 70 chủng loại khác nhau, tăng 10% so với năm 2016. Phân khúc chủ lực của Bibica vẫn là dòng bánh trung thu truyền thống với mức giá từ 150 đến 250 nghìn đồng/hộp, nhưng phân khúc tăng mạnh nhất sẽ là các dòng bánh cao cấp, đáp ứng nhu cầu biếu tặng của NTD.
Công ty CP Bánh Givral, ngoài dòng bánh mặn truyền thống, còn giới thiệu tới thị trường bánh trung thu chay và bánh trung thu dẻo nhân kem lạnh, nhân tỏi đen. Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị cũng cho ra mắt thêm hộp mầu xanh với dòng sản phẩm Hạnh Phúc và Trung Thu. Trong khi đó, Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà tung ra các dòng sản phẩm với tên gọi ấn tượng như: Bánh Trăng vàng An Phú, Trăng vàng Phú Quý, Trăng vàng Hạnh Phúc.
Cẩn trọng với chất lượng bánh trung thu
Do lo ngại bánh trung thu bán sẵn trên thị trường không bảo đảm ATTP, vài năm trở lại đây, nhiều người đã tìm đến bánh trung thu tự làm, với những kiểu dáng độc đáo như 12 con giáp, hình hoa, hình các loài thú được làm nổi khuôn theo công nghệ 3D. Hiện bánh trung thu tự làm đang được khá nhiều NTD tin tưởng, lựa chọn do được quảng cáo sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu sạch, không có chất phụ gia, bảo quản, lại nhiều hương vị khác nhau. NTD còn có thể được thoải mái đặt các loại bánh với kích cỡ, loại nhân, hình thù theo sở thích cá nhân.
Tuy nhiên, nhiều người đang hoài nghi về chất lượng của những loại bánh này do để đáp ứng đủ nguyên liệu tự sản xuất một lượng bánh lớn là điều rất khó. Cụ thể, với nguyên liệu cơ bản như nước hàng, nhân bánh đậu xanh, khoai môn, đỗ đỏ có thể mua nguyên liệu về để tự chế biến. Tuy nhiên, với những nguyên liệu khác như trứng muối, bột bánh, nhân thập cẩm chế biến sẵn, dầu dừa, mứt bí, lạp xường để có một số lượng lớn mà tự làm thì cần chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Trong khi những nguyên liệu này sẽ rất nhanh hỏng nếu không bảo quản tốt. Từ đó, việc mua nguyên liệu tự làm bánh trung thu để ăn và bán đã trở thành một “cơn sốt” thật sự. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều người, các cửa hàng bán nguyên vật liệu làm bánh trung thu được mở ra, với tiêu chí giúp NTD tự làm các loại bánh theo sở thích, ngon, rẻ và bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, nguồn gốc, chất lượng của những loại nguyên liệu trên khó được bảo đảm bởi chỉ cần lướt qua khu bán nguyên phụ liệu tại chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm (Hà Nội), có thể thấy, nơi đây bày bán đủ các loại nhân bánh như: Đậu xanh, hạt sen, mè đen, thập cẩm,… đã làm sẵn được bán với giá từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg; trứng muối giá 30 nghìn đồng 10 quả; hạt dưa tách vỏ giá 35 nghìn đồng/kg; các loại mỡ đường dao động trong khoảng 20 đến 40 nghìn đồng/kg. Những nguyên liệu này có một điểm chung là không có bao bì, xuất xứ và được bảo quản sơ sài.
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu mang tính thời vụ, cho nên vấn đề bảo đảm ATTP là điều đáng lo ngại. Bên cạnh các cơ sở bảo đảm quy trình sản xuất an toàn thì vẫn còn một số cơ sở nhỏ lẻ, thủ công đã cố ý sử dụng các loại phẩm mầu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm; trong khi nhân viên không được khám sức khỏe, các công đoạn sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình con vật, nhân vật hoạt hình nhiều mầu sắc từ các loại phẩm mầu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người sử dụng; nguyên liệu làm nhân bánh trung thu thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xường,… dễ bị ô nhiễm và là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển; bánh bị hư hỏng trong quá trình bày bán, lưu thông phân phối khi các loại giấy gói, bao bì chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh,…
Theo Nhandan
Ý kiến ()