Hôm nay (4-3), nước Nga bước vào cuộc bầu chọn Tổng thống mới cho xứ sở Bạch Dương trong một cuộc bầu cử được đánh giá là sôi động nhất trong lịch sử nước Nga đương đại. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, nhiều khả năng ứng cử viên sáng giá, Thủ tướng đương nhiệm V.Pu-tin sẽ quay lại cương vị người đứng đầu Điện Crem-li, tiếp tục chèo lái con thuyền nước Nga hướng tới mục tiêu lọt vào danh sách năm nước phát triển nhất thế giới như mục tiêu đã đề ra.Chính trường Nga đã nóng lên ngay từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu khi các ứng cử viên tranh luận nảy lửa trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bất chấp thời tiết giá lạnh bất thường, hàng trăm nghìn người dân Nga đã đổ xuống đường biểu tình cả ủng hộ và phản đối chính phủ. Theo các nhà quan sát, trong hơn 20 năm gần đây, chưa bao giờ tại Nga lại diễn ra những hoạt động chính trị sôi động và quy mô như vậy khi các cuộc mít-tinh, tuần hành của các lực lượng chính trị khác...
Hôm nay (4-3), nước Nga bước vào cuộc bầu chọn Tổng thống mới cho xứ sở Bạch Dương trong một cuộc bầu cử được đánh giá là sôi động nhất trong lịch sử nước Nga đương đại. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, nhiều khả năng ứng cử viên sáng giá, Thủ tướng đương nhiệm V.Pu-tin sẽ quay lại cương vị người đứng đầu Điện Crem-li, tiếp tục chèo lái con thuyền nước Nga hướng tới mục tiêu lọt vào danh sách năm nước phát triển nhất thế giới như mục tiêu đã đề ra.
Chính trường Nga đã nóng lên ngay từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu khi các ứng cử viên tranh luận nảy lửa trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bất chấp thời tiết giá lạnh bất thường, hàng trăm nghìn người dân Nga đã đổ xuống đường biểu tình cả ủng hộ và phản đối chính phủ. Theo các nhà quan sát, trong hơn 20 năm gần đây, chưa bao giờ tại Nga lại diễn ra những hoạt động chính trị sôi động và quy mô như vậy khi các cuộc mít-tinh, tuần hành của các lực lượng chính trị khác nhau lại diễn ra đồng thời từ vùng Viễn Đông tới Thủ đô Mát-xcơ-va. Cuộc đua vào Điện Crem-li gay cấn và quyết liệt khi các ứng cử viên đều có nhiều đổi mới trong cách thu hút sự ủng hộ của cử tri. Việc có tới hơn 800 nghìn quan sát viên độc lập cùng hàng triệu người giám sát bầu cử trực tiếp qua mạng cho thấy sự “nóng bỏng” của cuộc bầu cử này.
Tham gia cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Nga nhiệm kỳ sáu năm (trước đây là bốn năm) có năm ứng cử viên, gồm Thủ tướng V.Pu-tin của đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền, Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) G.Diu-ga-nốp, Chủ tịch đảng Tự do – Dân chủ (LDPR) V.Gi-ri-nốp-xki, thủ lĩnh đảng Nước Nga Công bằng (SR) X.Mi-rô-nốp và tỷ phú M.Prô-khô-rốp trong vai trò ứng cử viên tự do. Theo các nhà phân tích, dù cuộc đua tranh vào Điện Crem-li khá quyết liệt, song kết quả lại không quá khó dự đoán. Với cương lĩnh tranh cử đặt mục tiêu vào hiện đại hóa đất nước, củng cố hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, hiện đại hóa kinh tế và phát triển xã hội, càng gần tới ngày bầu cử, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Pu-tin càng tăng. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang (VSIOM) và Quỹ dư luận xã hội (FOM) Nga, Thủ tướng Pu-tin nhiều khả năng giành chiến thắng ngay trong vòng một với 53% – 60% số phiếu ủng hộ. Trong số các “đối thủ” của ông Pu-tin, nổi bật có Chủ tịch KPRF G.Diu-ga-nốp với 14% – 16% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Chủ tịch LDPR Gi-ri-nốp-xki 9% – 10%; thủ lĩnh SR Mi-rô-nốp 5% – 7% và tỷ phú Prô-khô-rốp 6% – 8%. Hiện các chính khách hàng đầu được cử tri Nga tin tưởng nhất là ông Pu-tin, tiếp đến là ông Mét-vê-đép, ông Diu-ga-nốp.
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra trong bối cảnh, lần đầu trong gần mười năm qua, tương quan lực lượng chính trị trong Đu-ma quốc gia Nga đã có sự thay đổi khi UR mất đa số lập hiến trong Hạ viện, còn tỷ lệ ủng hộ KPRF lại tăng gần gấp hai lần. Dù UR không giành được sự ủng hộ cao như mong đợi thì cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia đầu tháng 12-2011 vẫn được đánh giá là động thái mở đường cho “cặp đôi quyền lực Mét-vê-đép – Pu-tin” đổi vai sau cuộc bầu cử Tổng thống lần này. Với những thành tựu lớn về chính trị, kinh tế, ngoại giao mà nước Nga đạt được dưới sự lãnh đạo của “cỗ xe song mã”, có thể hiểu vì sao phần lớn người dân tại xứ sở Bạch Dương khi được hỏi ý kiến lại bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Pu-tin. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đầu tàu thế giới đang ngập chìm trong khó khăn, trong năm 2011, Nga đạt tăng trưởng kinh tế 4,2%, dự trữ vàng và ngoại tệ vượt 500 tỷ USD, tỷ lệ lạm phát là 6,1% – mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, ngành nông nghiệp Nga lấy lại vị trí hàng đầu thế giới. Số người thất nghiệp trong hai năm qua đã giảm gần hai triệu người và Nga hiện là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, khoảng 6,2-6,5%. Thủ tướng Pu-tin thông báo, chính phủ đã cố gắng thực hiện triệt để các cam kết về xã hội, cải thiện đời sống của người về hưu, quân nhân, nhân viên thuộc lĩnh vực hưởng lương ngân sách. Việc Nga kết thúc 18 năm đàm phán cam go, chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đáp ứng lợi ích quốc gia của nền kinh tế với GDP lên tới 1,9 nghìn tỷ USD này và góp phần ổn định hệ thống thương mại quốc tế.
Theo các nhà phân tích, khả năng quay trở lại cương vị đứng đầu Điện Crem-li của ông Pu-tin tương đối chắc chắn do ông vẫn đang là chính khách được yêu mến nhất nước Nga và chính trường Nga hiện chưa có chính trị gia nào có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Như vậy, khả năng cao là “cỗ xe song mã” lại tiếp tục lãnh đạo nước Nga nhằm đạt mục tiêu UR đề ra là đưa LB Nga lọt vào danh sách năm nước phát triển nhất thế giới trong năm năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế và xã hội, vẫn còn khoảng tối trong bức tranh toàn cảnh LB Nga, như cuộc chiến chống tham nhũng chưa thật quyết liệt, khoảng cách giàu nghèo còn là vấn đề nan giải, số người có thu nhập dưới mức nghèo khổ chiếm 14,3% tổng dân số Nga. Đó là những thách thức lớn đối với người đứng đầu Điện Crem-li nhiệm kỳ tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()