Sôi động chuỗi sự kiện vật lý đỉnh cao tại Bình Ðịnh
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX kéo dài từ ngày 28-7 đến 17-8 tại TP Quy Nhơn bao gồm các hội nghị khoa học vật lý đỉnh cao. Với bốn hội nghị quốc tế (Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý na-nô: Từ cơ bản đến ứng dụng; Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ); hai lớp học chuyên đề (Vật lý Việt Nam lần thứ 19: Vật lý chất đặc lý thuyết và tính toán; Vật lý thiên văn lần I: Vật lý thiên văn và vũ trụ học); hội thảo và tập huấn “Bàn tay nặn bột” (đồng tổ chức cùng Bộ Giáo dục và Ðào tạo).
Trong đó, hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” được chờ đợi như là sự kiện lớn nhất của chuỗi “gặp gỡ” nhân sự ra đời của Trung tâm quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE).
Ngày 28-7, một số nhà khoa học quốc tế đã có mặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh để tham dự chuỗi sự kiện nằm trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam của Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân tổ chức. Ðây là một trong những hoạt động góp phần kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Pháp, đánh dấu mốc thời gian 20 năm kể từ ngày diễn ra hội thảo khoa học vật lý quốc tế lần thứ nhất do hội khởi xướng, chủ trì (Hà Nội, 1993).
Năm nhà khoa học đoạt giải Nô-ben Vật lý đã tham dự sự kiện này. Ðó là các nhà bác học Hoa Kỳ: GS J.Xtên-béc-gơ (người Mỹ gốc Do Thái, đoạt giải Nô-ben năm 1988); G.Xmút (đoạt giải Nô-ben năm 2006); D.J.Gơ-rót (đoạt giải Nô-ben năm 2004); X.L.Gla-sô (đoạt giải Nô-ben năm 1979) và GS người Ðức K.V.Clít-din đoạt giải Nô-ben năm 1985. Ngoài ra, còn có nhà bác học R.Hâu-ơ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) và GS Ngô Bảo Châu. Theo ban tổ chức trong ba tuần gặp gỡ, sẽ có hơn 200 nhà khoa học của Việt Nam và 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Sáng 29-7, hơn 80 nhà khoa học quốc tế cùng nhiều nhà khoa học Việt Nam đã chính thức khởi động chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX bằng hai cuộc hội thảo “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck” và “Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn”. Chiều 4-8, GS K.V.Clít-din, nhà vật lý người Ðức đoạt giải Nô-ben Vật lý năm 1985 với công trình phát hiện Hiệu ứng Hall lượng tử đã đến Bình Ðịnh. Ðây là nhà khoa học đầu tiên trong số năm nhà khoa học đoạt giải Nô-ben đến Bình Ðịnh tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX và dự lễ khánh thành Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Giáo sư sẽ trình bày về vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong việc tạo ra những bước tiến đột phá trong công nghệ, mang lại lợi ích khổng lồ cho nhân loại.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, hiện nay, đã có khoảng hơn 100 nhà khoa học đã đến Bình Ðịnh để tham gia chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX.
Ngày 3-8, tại Trường đại học Quy Nhơn (Bình Ðịnh), Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã khai mạc lớp Vật lý Việt Nam lần thứ 19 – nghiên cứu các vấn đề về vật lý chất rắn lý thuyết và tính toán. Ðây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện khoa học quốc tế Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX năm 2013. Theo đó, 30 học viên là những nhà nghiên cứu vật lý trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên cao học tại các trường ÐH, viện nghiên cứu đến từ Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin và Việt Nam sẽ được hướng dẫn về các vấn đề nghiên cứu mới. Cụ thể, lĩnh vực tập trung nghiên cứu của lớp Vật lý Việt Nam chủ yếu là hệ điện tử tương quan mạnh, vật lý hệ thấp chiều, mô phỏng và thiết kế các linh kiện điện tử; một số vấn đề vật lý na-nô, chất điện môi Graphene với màng mỏng hai chiều và nhiều loại vật liệu cho linh kiện điện tử… Lớp học diễn ra đến ngày 15-8, do các giáo sư vật lý danh tiếng đến từ Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Pháp, Ấn Ðộ và Việt Nam hướng dẫn.
Tại Lễ khai mạc, GS Trần Thanh Vân đã khẳng định, mục tiêu của lớp học là cung cấp một diễn đàn để những nhà vật lý thiên văn trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận những nghiên cứu của mình, đồng thời giới thiệu những đề tài nghiên cứu thời sự về vật lý thiên văn và vũ trụ học cho sinh viên tại Việt Nam.
Hơn 20 nhà vật lý trẻ, thạc sĩ, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự lớp học này để nghe các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực này đến từ Mỹ, Pháp, Ca-na-đa và Việt Nam chia sẻ những vấn đề liên quan đến tia vũ trụ, bức xạ nền vũ trụ, vật chất tối, vũ trụ sơ sinh…
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()