Sợi dây gắn kết hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản
Những người yêu manga (truyện tranh Nhật Bản) nói riêng và quan tâm đến lịch sử, văn hóa nói chung ở Việt Nam và Nhật Bản vừa đón nhận một món quà độc đáo nhân dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao: Bộ truyện “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương”. Chuyện tình cảm động có thật từ thế kỷ XVII đã truyền cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại, tôn vinh những giá trị chung của hai quốc gia, dân tộc.
Ảnh bìa bộ truyện tranh “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. |
Một gian trưng bày ấn tượng xuất hiện tại sự kiện Vietnam-Japan Comic Fes 2023 (Lễ hội truyện tranh và hoạt hình Việt Nam-Nhật Bản có bản quyền được tổ chức thường niên) cuối tháng 6 vừa qua đã chính thức giới thiệu bộ truyện “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương”, kể lại quá trình nên duyên vợ chồng của công chúa Ngọc Hoa con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro vào đầu thế kỷ XVII.
Bản tiếng Nhật do Neo Story (Nhật Bản) sản xuất, Nhà xuất bản Kim Đồng dịch và phát hành tại Việt Nam. Phiên bản trực tuyến ra mắt vào tháng 7, truy cập miễn phí trên https://japanvietnam50.org/vi – trang web kỷ niệm 50 năm ngoại giao giữa hai nước.
Nữ họa sĩ Higashimura Akiko, tác giả truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng và sở hữu nhiều giải thưởng về manga, đã thực hiện hai phần truyện theo nội dung vở opera “Công nữ Anio”. Tác phẩm nhạc kịch được dàn dựng bởi các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản trong suốt hai năm, dự kiến sẽ công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tháng 9 tới đây và tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 11. |
Những dự án nghệ thuật về nàng công chúa Ngọc Hoa đều được đội ngũ thực hiện tham vấn các chuyên gia lịch sử, văn hóa hai nước và nghiên cứu tài liệu lịch sử. Có thể kể đến một bản (sao) bài “Châu ấn Ngoại thương” (của Trung tâm Lưu trữ quốc gia Nhật Bản) giới thiệu lịch sử, phong tục, ngôn ngữ và địa lý Việt Nam dưới thời Chúa Nguyễn, trong đó có ghi chép về câu chuyện của một thương nhân thành đạt là Araki Sotaro đã đến An Nam nhiều lần và được Chúa Nguyễn tin tưởng, gả công chúa Ngọc Hoa cho ông; sau đó ông đưa vợ về Nhật. Ngọc Hoa được người dân Nagasaki yêu mến gọi bằng tên Nhật là Anio-san. Văn bản này cũng đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Việt Nam) tiếp nhận, công bố.
Tôn trọng lịch sử nhưng để phù hợp nhiều lứa tuổi độc giả và chuẩn phong cách manga, bộ truyện “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương” có nét vẽ hiện đại, dễ thương. Một số chi tiết nhỏ được tác giả tưởng tượng và sáng tác, để khắc họa tính cách hoạt bát, ham học hỏi của nàng Ngọc Hoa và sự chín chắn, đáng tin cậy của chàng Araki Sotaro.
Hơn 400 năm trước, Araki Sotaro từ Nagasaki, Nhật Bản đến vùng Hội An (Quảng Nam) với tư cách là một trong những chỉ huy Châu Ấn thuyền (loại thuyền thương mại của Nhật Bản được các chính khách đương thời cấp giấy phép thông hành cho ra ngoại quốc buôn bán, giao lưu, chủ yếu sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17).
Sau một cuộc gặp gỡ với công chúa Ngọc Hoa, đôi bên trai tài gái sắc nảy sinh tình cảm tốt đẹp. Năm 1619, công chúa Ngọc Hoa được gả cho Araki Sotaro và đến Nhật làm dâu. |
Người con gái Việt Nam thông minh, nhân hậu đã có cuộc sống hạnh phúc ở Nagasaki với chồng và con gái. Nàng nhanh chóng hòa nhập, học ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản đồng thời cũng mang đến xứ người một số nét văn hóa Việt Nam như món ăn, điệu múa. Ngọc Hoa được người dân trong vùng yêu mến và gọi bằng cái tên trìu mến là “Anio-san” (theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, cái tên ra đời do công chúa khi ở Nhật giữ thói quen gọi chồng bằng tiếng Việt là “anh ơi”, nghe tương tự Anio).
Mối duyên lành của công chúa Ngọc Hoa và người chồng Nhật bấy giờ đã góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương trên biển và giao lưu giữa người dân hai nước. Thương cảng Hội An sầm uất một thời vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn vật thể và phi vật thể của văn hóa Nhật Bản đến tận ngày nay. Đáng tiếc là sau đó những biến động của thời cuộc đã khiến Araki Sotaro phải ngừng mọi hải trình, nàng Ngọc Hoa không một lần được trở về thăm quê nhà Việt Nam.
Tuy vậy, cuộc hôn nhân dựa trên tình cảm chân thành và sự bình đẳng, vượt qua mọi khác biệt giai cấp và biên giới quốc gia đã trở thành một biểu tượng trường tồn. |
Ở Nagasaki hiện nay vẫn lưu giữ nhiều giai thoại và kỷ vật về nàng công chúa ngoại quốc. Khu đền thờ công chúa và chồng thường xuyên có khách du lịch ghé thăm, tưởng niệm.
Lễ rước kiệu đón Anio-san còn được nhân dân địa phương tái hiện trong lễ hội Okunchi, lễ hội mùa thu vào tháng 9 hằng năm. Ở thành phố Hội An (Quảng Nam), Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản đều đặn diễn ra vào tháng 8. Trong đó, hoạt cảnh đám cưới công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro là một trong những màn biểu diễn độc đáo, để lại trong lòng người dân và du khách nhiều trải nghiệm thú vị và cảm xúc tốt đẹp.
Trong lần tổ chức mới đây (ngày 6/8), không gian đầy hoài niệm của đám cưới và lễ tiễn nàng Ngọc Hoa lên thuyền tiếp tục được đánh giá là một điểm nhấn đặc sắc. Trong khuôn khổ lễ hội còn có một triển lãm tranh sơn mài của nữ họa sĩ Ando Saeko, người thực hiện hình ảnh minh họa cho vở opera “Công nữ Anio”.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973 đến nay, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác thương mại, du lịch, đầu tư, giáo dục, trao đổi văn hóa và hợp tác lao động hàng đầu của Việt Nam. |
Nhưng sợi dây gắn kết hai quốc gia đã hình thành từ nhiều thế kỷ trước, trong đó có chuyện tình của nàng Ngọc Hoa-Anio. Với giá trị nhân văn sâu sắc và sự hòa quyện của hai nền văn hóa, câu chuyện sẽ còn được kể lại với nhiều hình thức phong phú như âm nhạc, hội họa, tác phẩm sân khấu, điện ảnh…
Nguồn:https://nhandan.vn/soi-day-gan-ket-hai-dat-nuoc-post769105.html
Ý kiến ()