Sóc Trăng tìm giải pháp cho vụ tôm năm 2012
Chế biến tôm xuất khẩu ở Sóc Trăng. Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ phát triển mạnh ở Sóc Trăng, mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, thiệt hại diện tích thả nuôi và dư lượng kháng sinh ở tôm vẫn là vấn đề bức xúc hiện nay, rất cần có biện pháp để tháo gỡ.Bất cập trong nuôi tôm nước lợHằng năm, Sóc Trăng thả nuôi gần 50 nghìn ha tôm nước lợ, sản lượng đạt hơn 60 nghìn tấn, là nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2011, Sóc Trăng bị thiệt hại hơn 70% số diện tích tôm nuôi nước lợ.Do đó, các ngành, các cấp ráo riết tìm giải pháp hạn chế thiệt hại và đem lại thắng lợi cho vụ tôm năm 2012. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 1.000 ha nhưng có hơn 100 ha (70 ha tôm sú, 40 ha tôm thẻ chân trắng) bị thiệt hại, chiếm...
Chế biến tôm xuất khẩu ở Sóc Trăng. |
Bất cập trong nuôi tôm nước lợ
Hằng năm, Sóc Trăng thả nuôi gần 50 nghìn ha tôm nước lợ, sản lượng đạt hơn 60 nghìn tấn, là nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2011, Sóc Trăng bị thiệt hại hơn 70% số diện tích tôm nuôi nước lợ.
Do đó, các ngành, các cấp ráo riết tìm giải pháp hạn chế thiệt hại và đem lại thắng lợi cho vụ tôm năm 2012. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 1.000 ha nhưng có hơn 100 ha (70 ha tôm sú, 40 ha tôm thẻ chân trắng) bị thiệt hại, chiếm trên 10% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân chính là do một số hộ nôn nóng thả nuôi mà chưa tuân theo lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật; con giống chưa được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Trong cải tạo ao, có hộ còn giữ thói quen sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật gây tồn lưu độc tố, xử lý ao nuôi không bảo đảm yêu cầu, tùy tiện xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, bơm bùn ra sông… Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi trên phạm vi rộng là rất lớn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, tổ chức và người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Việc quản lý lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y, các chất xử lý, cải tạo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa cấm sử dụng còn xuất hiện trên thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Sóc Trăng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm mọi biện pháp để bảo đảm thành công cho vụ tôm năm 2012. Tại các cuộc họp, cán bộ khoa học chuyên ngành thủy sản nhận định, về cơ chế vẫn còn kẽ hở như việc cấm buôn bán, sử dụng một số sản phẩm có chứa hoạt chất cấm vẫn còn chậm, chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ những sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản. Việc nhận định về nguyên nhân dịch bệnh còn chậm, công tác phòng, chống chưa mang lại hiệu quả cao. Chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh chưa kịp thời. Phần lớn những hộ thả tôm sớm bị thiệt hại vừa qua đều gặp khó khăn do thiếu vốn để tiếp tục thả nuôi.
Vụ mùa năm 2011, tôm chết hàng loạt, dẫn đến tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu, giá tăng đột biến. Thời gian qua, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn về nguồn tôm nguyên liệu, vì dư lượng kháng sinh trong tôm của một số hộ sau thu hoạch vượt mức cho phép đối với tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều lượt tôm đã phải tái nhập về Việt Nam. Chánh Thanh tra
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo cho biết, trước thực trạng này, Sóc Trăng đã có kiến nghị đến Bộ NN và PTNT đưa các chất Deltamethrin, Enrofloxacin… vào danh mục cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Ngày 16-1, Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư 03/2012/TT-BNN PTNT bổ sung các chất Cypermethrim, Deltamethrin, Enrofloxacin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và Thông tư 04/2012/TT-BNN PTNT đưa 28 sản phẩm có chứa Cypermethrim, Deltamethrin ra khỏi danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Ngay sau đó, Sóc Trăng ráo riết triển khai thực hiện Thông tư 03 và 04 của Bộ NN và PTNT nhằm tăng cường kiểm soát các hoạt chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn Sóc Trăng có đến 362 sản phẩm được phép lưu hành dưới dạng thuốc thú y và 225 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất cấm dùng trong thủy sản, nên ngư dân rất dễ dàng mua về sử dụng trong nuôi tôm. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản, các chất xử lý, cải tạo môi trường phục vụ nuôi tôm.
Như vậy, bài toán mà Sóc Trăng cầm tìm lời giải là phải quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ tôm năm 2012; đồng thời bảo đảm sau khi thu hoạch, dư lượng kháng sinh trong tôm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu không vượt mức cho phép.
Tháo gỡ khó khăn
Nói về biện pháp khắc phục tình trạng tôm nuôi bị chết hàng loạt, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu cho biết, muốn nuôi tôm bảo đảm thắng lợi đòi hỏi cả cộng đồng phải nêu cao trách nhiệm. Riêng Sở NN và PTNT xây dựng lịch thời vụ, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi và triển khai đến tận vùng nuôi; cùng với các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn người nuôi thực hiện lịch thời vụ gắn với quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Phổ biến đầy đủ nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả thí điểm bảo hiểm đối với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Bên cạnh đó, người nuôi tôm trong vùng quy hoạch chấp hành thông báo lịch mùa vụ của ngành NN và PTNT, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng các chất, hoạt chất thuộc danh mục cấm lưu hành; nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường vùng nuôi, khi có dịch bệnh tại ao nuôi, không xả nước thải ra môi trường khi chưa xử lý, đồng thời phải thông báo cho cộng đồng chung quanh và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết để ngăn chặn kịp thời, nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thủy sản không kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng cấm lưu hành. Cơ sở sản xuất con giống phải kiểm dịch con giống trước khi xuất bán và các đại lý kinh doanh giống không nhập giống về trại ương dưỡng khi chưa có thông báo lịch mùa vụ của ngành NN và PTNT.
Giám đốc Sở NN và PTNT Sóc Trăng Quách Văn Nam cho biết, hiện nay, Sóc Trăng đang đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực thủy sản hiểu rõ nội dung các quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định trong sử dụng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản có chứa hoạt chất Cypermethrim, Deltamethrin và Enrofloxacin, thường xuyên kiểm tra dư lượng chất Enrofloxacin trên sản phẩm tôm sau thu hoạch. Khuyến cáo ngư dân không dùng các loại sản phẩm có chứa các hoạt chất trên để nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn ngư dân sử dụng sản phẩm thay thế khác có cùng công dụng và hướng dẫn các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản, sản phẩm cải tạo môi trường cam kết không mua bán, tàng trữ các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản có chứa các hoạt chất này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()