Để chăm lo phát triển đảng viên là người Khmer, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xây dựng Đề án với kế hoạch và cách làm cụ thể. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Kháng Chiến cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu Đề án, các cấp ủy đảng tiến hành rà soát, thống kê những nơi chưa có đảng viên người Khmer và chi bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, bàn biện pháp tạo nguồn phát triển đảng viên và thành lập chi bộ. Các cấp ủy nắm sát tình hình, lập kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cho các chi bộ, chủ động tạo nguồn kết nạp đảng viên và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm.
Năm 2005, tỷ lệ đảng viên là người Khmer ở Sóc Trăng chỉ chiếm 9,25% tổng số đảng viên của tỉnh. Nhiều ấp, khóm vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa có đảng viên là người Khmer. Đề án của Tỉnh ủy đã tạo bước đột phá về nhận thức và hành động đối với các tổ chức đảng trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Trước đây, việc tạo nguồn phát triển đảng từ trong cán bộ ở cơ sở là chủ yếu, nay nguồn phát triển đảng được mở rộng đến các hạt nhân tích cực trong các phong trào ở địa phương như: nông dân sản xuất giỏi, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, phong trào thanh niên lập nghiệp… Đối với tiêu chuẩn phát triển đảng, ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn chung, các cấp ủy chú ý đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc để vận dụng phù hợp, nhưng vẫn lấy tiêu chuẩn chất lượng là chính. Người được kết nạp vào Đảng phải là hạt nhân trong các phong trào thi đua tại địa phương, đảm đương một công tác xã hội nào đó và được sự tín nhiệm của quần chúng. Năm 2005, Sóc Trăng chỉ kết nạp được 187 đảng viên là người dân tộc Khmer, nhưng năm 2010 con số đó là 273 đồng chí. Sáu tháng đầu năm nay, toàn tỉnh kết nạp 1.064 đảng viên, trong đó có 170 người Khmer, nâng tổng số đảng viên người Khmer lên 3.619 đồng chí, chiếm 14,75% số đảng viên trong tỉnh.
Sóc Trăng có 73/105 xã, phường, thị trấn có đảng viên là người Khmer, 8/105 xã, phường có hơn 50% số đảng viên là người dân tộc này so với tổng số đảng viên của xã, phường. Điều đáng mừng là đảng viên người Khmer đều trưởng thành, có tinh thần trách nhiệm và gương mẫu trong công việc, nhiều đồng chí là cán bộ chủ chốt ở địa phương. Tỷ lệ người Khmer tham gia quản lý xã hội, giữ các chức vụ cao trong các cơ quan đảng, nhà nước ở địa phương ngày càng nhiều. Toàn tỉnh có gần 2.600 cán bộ, đảng viên người Khmer, chiếm 18,76% cán bộ, công chức, chất lượng chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên này từng bước được nâng lên.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Dương Sà Kha, thì đội ngũ đảng viên người Khmer có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, trong việc giữ gìn trật tự an ninh ở địa phương. Họ là lực lượng chính góp phần làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được ổn định và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm nhanh, từ 26% (năm 2005) xuống còn 14,26% (theo tiêu chí mới). Số học sinh con em đồng bào Khmer đến lớp ngày càng tăng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của công tác phát triển đảng viên là thiếu nguồn, vì số thanh niên Khmer có điều kiện để tạo nguồn thường đi công tác hoặc làm ăn xa; số ở lại địa phương còn nhiều hạn chế về học vấn, ít có những điều kiện cần thiết để bồi dưỡng kết nạp Đảng; một số nhà sản xuất, kinh doanh giỏi, có trình độ học vấn khá, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, được quần chúng tín nhiệm, nhưng lại chưa thật sự mặn mà, hoặc muốn toàn tâm cho việc sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo môi trường tốt để đoàn viên thanh niên phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiều chi bộ mới thành lập còn lúng túng về phương pháp lãnh đạo, nội dung sinh hoạt chưa cụ thể.
Để công tác phát triển đảng viên trong đồng bào Khmer bảo đảm về số lượng và chất lượng, các cấp ủy đảng tỉnh Sóc Trăng sẽ tổng kết rút kinh nghiệm công tác này; đồng thời, tập trung xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia các phong trào của địa phương, từ đó làm tốt việc tạo nguồn phát triển đảng viên.
Ý kiến ()