Sóc Trăng tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây
Mặc dù trong tình hình chung cả nước còn khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực kinh tế ở Sóc Trăng đã cho thấy sự khởi sắc đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,9% - mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây của tỉnh Sóc Trăng.
Sản xuất lúa đạt kết quả tốt, sản lượng dự kiến vượt kế hoạch đề ra, diện tích lúa đặc sản tiếp tục được mở rộng. Tình hình chăn nuôi phát triển khá, tổng đàn tăng so với cùng kỳ. Sản lượng thủy hải sản tăng 24,5%, khai thác biển tiếp tục được đẩy mạnh. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh được tăng cường.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.318 tỷ đồng (bằng 51,4% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ). Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch 314,4 triệu USD (đạt 64% kế hoạch và tăng 79% so với cùng kỳ năm trước), trong đó xuất khẩu thủy sản được 287,3 triệu USD (đạt 66,8% kế hoạch, tăng 80,4%).
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm là 1.110 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng là 2.718,4 tỷ đồng (đạt 45,5% dự toán).
Nhờ tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, đôn đốc triển khai các công trình trọng điểm, giải ngân kịp thời, hạn chế tình trạng “khởi công động thổ xong để đó” mà 6 tháng qua lĩnh vực này được thực hiện khá nhanh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2014 được giao gần 1.625 tỷ đồng; đã giải ngân trên 970 tỷ đồng (đạt gần 60% kế hoạch).
Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng đáng mừng thì vẫn còn nhiều điều đáng lo cho người dân Sóc Trăng. Đó là việc giá nông sản bấp bênh, giá tôm cũng trồi sụt khó lường, trong khi tình hình dịch bệnh thủy sản khá cao, thiệt hại tới trên 30% diện tích thả nuôi. Người trồng mía ở Cù Lao Dung phải đối mặt với khó khăn khi giá mía tiếp tục giảm mạnh, nông dân phải phá bỏ hơn 400 ha mía để trồng và nuôi cây, con khác. Giá hành tím ở Vĩnh Châu cũng xuống thấp làm cho người trồng màu nơi đây không còn mặn mà với loại cây đặc sản của xứ biển này. Bên cạnh đó, một số chỉ số như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng tệ nạn xã hội gia tăng cũng đang là thách thức không nhỏ trong kinh tế xã hội của Sóc Trăng trong thời gian nửa năm còn lại.
Để đạt được kế hoạch tăng trưởng kinh tế 10-11% trong năm 2014 này, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo cho các cấp ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; trong đó mục tiêu cụ thể là tập trung chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè thu, đảm bảo tổng sản lượng lúa cả năm đạt trên 2 triệu tấn; chỉ đạo sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2014, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm để hạn chế dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ ngư dân đóng mới, mua mới và cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ phục vụ đánh bắt xa bờ. Trong lĩnh vực công thương nghiệp, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa phấn đấu xuất khẩu vượt mức 490 triệu USD như kế hoạch đã đề ra; phấn đấu thu ngân sách đạt trên 1.800 tỷ đồng; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo môi trường tốt an tâm cho nhà đầu tư vào tỉnh; phối hợp với các Bộ, ngành, tỉnh, tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Sóc Trăng năm 2014 (MDEC – Sóc Trăng 2014).
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo các cấp ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đ ẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, nhất là lao động ở nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý sử dụng đất và chấp hành pháp luật về môi trường, nước, khoáng sản, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()