Sóc Trăng phát triển kinh tế biển
Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển cơ sở hạ tầng vùng ven biển; đẩy mạnh đầu tư cho nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, giúp hàng nghìn ngư dân bám biển, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng ven biển Sóc Trăng ngày càng khởi sắc.
Giúp ngư dân bám biển
Về thị trấn Trần Ðề, huyện Trần Ðề có thể thấy cuộc sống của người dân xứ biển đã đổi thay rõ rệt. Những khu nhà ổ chuột ọp ẹp trước đây đã được thay bằng khu phố mới khang trang. Ðường sá được trải nhựa phẳng lì, xe cộ qua lại nhộn nhịp, đông đúc người mua kẻ bán. Tàu, thuyền cập bến đậu chật như nêm. Mỗi khi đoàn tàu đầy ắp cá, tôm từ biển về cập bến cảng Trần Ðề sôi động tiếng cười nói rộn lên khắp nơi. Những cơ sở chế biến thịt khô, cá khô, tôm khô, làng nghề đan lưới ở gần đó cũng hòa vào nhịp sống hối hả của người dân xứ biển.
Chỉ tay về phía khu phố biển, anh Trịnh Văn Hùng ở ấp Cảng, thị trấn Trần Ðề, kể: Trước đây, vùng ven biển này heo hút lắm! Nhà cửa lụp xụp, thưa thớt. Lúc đó, người ta hay gọi bên kia sông là xóm đáy, bên này sông là xóm lưới. Ngư dân chỉ biết đóng đáy trên vùng biển cạn, chờ thủy triều lên xuống kiếm một số tôm cá đem ra chợ bán mong đủ trang trải cuộc sống gia đình hoặc chỉ có chiếc ghe, sắm giàn lưới nhỏ, rồi quanh quẩn đánh bắt gần bờ, chẳng dám ra khơi. Anh Hùng gắn bó, vất vả với nghề đóng đáy hơn mười năm, khó khăn lắm mới mua được một chiếc ghe cào nhỏ để đánh bắt, lo cho cả gia đình sống đắp đổi qua ngày. Nhờ sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước cộng với chí thú làm ăn, giờ đây anh Hùng có đến bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ với công suất 380 CV/tàu, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Thu ở ấp Cảng, thị trấn Trần Ðề cũng vừa vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần hai tỷ đồng để nâng cấp hai tàu đơn thành hai tàu cào đôi. Theo tính toán của chị Thu, mỗi chuyến đi biển hơn một tháng, cặp cào đôi này sẽ đánh bắt hàng chục tấn cá, sau khi trừ các chi phí như: tiền dầu, nước đá, tiền công… chị còn lãi hơn 200 triệu đồng. Sóc Trăng có hàng trăm hộ đánh bắt thủy sản khá lên như anh Hùng, chị Thu.
Ðể bà con ngư dân bám biển, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập hơn 30 tổ, đội tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ khai thác hải sản nhằm hỗ trợ nhau trên biển như: cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ hoạt động đánh bắt, giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ biển đảo. Nghiệp đoàn khai thác nghề cá cũng đã đi vào hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, hỗ trợ nhau trong sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hiệu quả cảng cá Trần Ðề. Tỉnh rà soát, xác định lại số lượng tàu cá dưới 90 CV, động viên, hướng dẫn bà con ngư dân tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, đóng mới tàu từ 90 CV trở lên, hỗ trợ nhau về nhiều mặt trong quá trình đánh bắt. Khâu đột phá của Sóc Trăng là xây dựng và triển khai Ðề án hỗ trợ ngư dân đổi mới phương tiện đánh bắt xa bờ. Theo đó, hỗ trợ ngư dân có tàu cá đánh bắt xa bờ vay vốn không lãi suất trong thời gian hai năm để bà con vượt qua khó khăn về vốn, yên tâm bám biển, phát triển nghề đánh bắt, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ vậy, năm nay sản lượng khai thác thủy sản của Sóc Trăng đạt hơn 56 nghìn tấn, tăng gần 60% so với năm 2008. Diện tích nuôi trồng thủy sản vùng ven biển những năm qua luôn ổn định khoảng 35 nghìn ha, sản lượng chừng 100 nghìn tấn/năm. Nhiều vùng nuôi trồng theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, sạch phục vụ xuất khẩu. Các công trình trọng điểm phục vụ thiết thực phát triển kinh tế biển cũng được tỉnh, T.Ư quan tâm đầu tư. Năm 2012, quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ 60, phà Ðại Ngãi được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thành đã góp phần đẩy mạnh khai thác tiềm năng hành lang kinh tế Nam Sông Hậu và phát triển kinh tế biển; dự án khu tránh trú bão cho tàu cá tại Kinh Ba kết hợp với cảng cá Trần Ðề hoàn thành phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá cho khoảng một nghìn tàu đánh bắt của tỉnh và tàu của các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, Sóc Trăng tiếp tục kêu gọi đầu tư cảng Ðại Ngãi, tuyến tàu cao tốc du lịch Kinh Ba – Côn Ðảo; đồng thời kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Trần Ðề. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng công tác quản lý, khai thác, sử dụng hàng chục nghìn ha đất bãi bồi ven biển kết hợp bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản ven biển thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Ðề và thị xã Vĩnh Châu…
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Sóc Trăng có 72 km bờ biển với lợi thế ba cửa sông lớn tiếp giáp biển là Ðịnh An, Trần Ðề và Mỹ Thanh, có ngư trường rộng lớn. Tuy nhiên, việc phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ vận tải biển, du lịch biển chưa xứng với tiềm năng. Ngành nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Liên tục hai năm, tôm nuôi bị thiệt hại nặng; sản phẩm nuôi trồng thủy sản chưa đa dạng. Số lượng tàu đánh bắt xa bờ còn ít, chỉ có 285/1.085 chiếc, đạt chưa tới 27%. Doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư. Các khu, cụm công nghiệp; khu du lịch như: Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu), Mỏ Ó (huyện Trần Ðề), sinh thái (huyện Cù Lao Dung)… chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. Một trở ngại nữa là luồng Trần Ðề trên sông Hậu chưa được nạo vét, không đáp ứng yêu cầu lưu thông cho các tàu có tải trọng lớn…
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Võ Minh Chiến cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư khu kinh tế biển Trần Ðề tại khu vực cửa Mỹ Thanh – Trần Ðề, phát triển cảng biển phục vụ xuất, nhập khẩu nông sản, vật tư nông nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản. Tỉnh tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Trần Ðề, các cụm công nghiệp. Khai thác tốt lợi thế đánh bắt và nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, nuôi trồng theo hướng đa dạng đối tượng, thâm canh; phát triển thêm đối tượng nuôi mới để khai thác mặt nước vùng ven biển như nghêu, cá kèo…; xây dựng hạ tầng vùng nuôi theo hướng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm sạch phục vụ chế biến xuất khẩu. Ðẩy mạnh đầu tư hỗ trợ vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân phát triển hoạt động đánh bắt xa bờ. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các tuyến giao thông đối ngoại, giao thông ven biển. Phát triển giao thông đường thủy đồng bộ giữa cảng, tuyến, luồng và đội tàu vận tải; nạo vét luồng Ðịnh An, Trần Ðề, sông Rạch Tráng; mở các tuyến vận tải hàng hóa ven biển. Ðầu tư hệ thống đê sông, đê biển phục vụ phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng – an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu. Quy hoạch tuyến dân cư ven biển, bảo đảm cuộc sống ngư dân. Hạn chế, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển. Tăng cường quảng bá du lịch, khai thác tiềm năng về du lịch…
Với cách làm và bước đi phù hợp, vùng ven biển Sóc Trăng đang phát triển trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()