Sóc Trăng đầu tư phát triển kinh tế biển
Là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, những năm gần đây, Sóc Trăng tập trung đầu tư khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân và làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê vùng ven biển. Tuy nhiên, giá trị thu được từ ngành kinh tế mũi nhọn này chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của Sóc Trăng.Đầu tư khai thác, nuôi trồng và chế biến Sóc Trăng có bờ biển dài 72 km, với ba cửa sông chính đổ ra Biển Đông là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh. Vùng biển Sóc Trăng có nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Hằng năm, nước biển xâm lấn tạo thành một vùng nước mặn - lợ, chưa kể hơn 50 nghìn ha đất bãi bồi ven sông, biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Sóc Trăng hiện có 1.055 tàu đánh cá với tổng công suất 100.930 CV, trong đó có 241 tàu đánh bắt xa bờ. Nếu so với năm...
Là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, những năm gần đây, Sóc Trăng tập trung đầu tư khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân và làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê vùng ven biển. Tuy nhiên, giá trị thu được từ ngành kinh tế mũi nhọn này chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của Sóc Trăng.
Đầu tư khai thác, nuôi trồng và chế biến
Sóc Trăng có bờ biển dài 72 km, với ba cửa sông chính đổ ra Biển Đông là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh. Vùng biển Sóc Trăng có nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Hằng năm, nước biển xâm lấn tạo thành một vùng nước mặn – lợ, chưa kể hơn 50 nghìn ha đất bãi bồi ven sông, biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Sóc Trăng hiện có 1.055 tàu đánh cá với tổng công suất 100.930 CV, trong đó có 241 tàu đánh bắt xa bờ. Nếu so với năm 2005, số tàu đánh bắt hải sản tăng gần 200 chiếc, tàu công suất từ 380 CV trở lên từ chỗ không có chiếc nào, đến nay đã có gần 60 chiếc. Nhiều tàu được sửa chữa nâng cấp, đóng mới và trang thiết bị hiện đại, công suất lớn, khai thác nhiều ngày trên biển. Phần lớn các tàu này được vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển, khắc phục được tình trạng khai thác thủy hải sản ven bờ, trung bình sản lượng khai thác từ 30 đến 35 nghìn tấn hải sản/năm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài các nghề cào đôi, lưới vây, lưới đèn, nhiều ngư dân còn chuyển sang nghề câu mực xuất khẩu, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Dũng ở thị trấn Trần Đề cho biết, nhờ Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng tàu xa bờ mà gia đình ông có bốn tàu có công suất 380 CV/tàu. Có những chuyến đi biển, ông Dũng đánh bắt được từ 20 đến 25 tấn cá, trừ chi phí lãi hơn 40 triệu đồng. Ông Dũng còn cho biết, mỗi năm đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông đánh bắt được 400 đến 500 tấn cá, lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Để giúp ngư dân tăng hiệu quả đánh bắt, ngoài việc trợ giúp vốn vay mua sắm phương tiện hiện đại, tỉnh còn trợ giúp bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và dầu với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ngành thủy sản tỉnh đang xây dựng khu neo đậu tàu, thuyền trú bão và Cảng cá Trần Đề giai đoạn 2 (kho đông lạnh; cung cấp nước đá, xăng, dầu; dịch vụ đóng và sửa chữa tàu, thuyền, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,…) nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần cho tàu đánh bắt xa bờ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển được tập trung đầu tư hiện đại với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, cảng cá, khu trú bão, chợ đầu mối thủy sản, tạo nên sức bật mới cho các đô thị ven biển Sóc Trăng.
Ngoài khai thác hải sản xa bờ, việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú ở các huyện ven biển Sóc Trăng, phát triển mạnh. Qua nhiều năm thử nghiệm bằng các hình thức nuôi quảng canh, bán chuyên canh, rồi chuyên canh, quảng canh cải tiến thủy sản nước lợ, nước mặn, kết quả thu được khẳng định nghề nuôi trồng thủy sản là hướng sản xuất chính đối với vùng ven biển. Sóc Trăng quy hoạch vùng nuôi tôm sú rộng gần 50 nghìn ha, tập trung ở các huyện phía nam theo tuyến, vùng cụ thể, như vùng nội đồng, nước lợ (Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên); tuyến ven biển, nước mặn (Vĩnh Châu, Long Phú, Trần Đề); tuyến ven sông Mỹ Thanh, sông Hậu, Tổng Cán; tuyến ven sông Trà Niên, Kinh Mới – Vĩnh Châu. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng cho 45 dự án nuôi trồng thủy sản, công trình thủy lợi phục vụ 68 nghìn ha nuôi tôm, cá các loại. Hàng nghìn ha đất hoang hóa ở cánh đồng năn Mỏ Ó (Trần Đề) và dọc hai bờ sông Mỹ Thanh đã hình thành những vuông tôm công nghiệp, bán công nghiệp. Hơn 20 nghìn ha đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả ở Vĩnh Hiệp, Khánh Hòa, Hòa Đông, Lai Hòa, Vĩnh Tân (Vĩnh Châu) chuyển sang nuôi tôm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Trương Thanh Bình cho biết, nhờ chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu, thị trường xuất khẩu thủy sản ngày càng được ổn định, mở rộng. Đến nay, Sóc Trăng có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu qua thị trường EU, Bắc Mỹ, thị trường truyền thống Nhật Bản… Tỉnh hiện có mười nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 100 nghìn tấn/năm, đến cuối tháng 10 đã chế biến được 52.963 tấn thủy, hải sản (39.505 tấn tôm, 13.458 tấn thủy sản khác), góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 323 triệu USD, tăng 27,2% so cùng kỳ năm 2009, đạt 89,01% kế hoạch.
Phát triển bền vững
Hiện nay, kinh tế biển và ven biển chiếm khoảng 32,26% GDP của tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển kinh tế biển của Sóc Trăng là thiếu cơ sở vật chất – kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống chế biến đông lạnh, cho nên chưa tạo được những sản phẩm có giá trị cao. Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả còn thấp. Các lợi thế so sánh về kinh tế biển của tỉnh chưa được khai thác tốt, chủ yếu mới khai thác về nuôi trồng thủy sản; các ngành kinh tế khác như khai thác hải sản xa bờ, hàng hải, du lịch biển, công nghiệp ven biển chậm phát triển. Lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chưa gắn kết tốt với công tác tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh đòi hỏi lượng tôm giống lớn nhưng tỉnh chưa sản xuất được con giống tại chỗ. Công tác kiểm dịch, kiểm tra đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra do lực lượng mỏng, phương tiện thiếu, địa bàn rộng. Nông dân thiếu vốn, và thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ dẫn đến sản xuất đạt hiệu quả thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều yếu kém và chưa đồng bộ, cho nên chưa phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế biển…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thành Hiệp cho biết: Nhận thức được vị trí và tầm quan trọng chiến lược kinh tế biển, tỉnh xác định từ nay đến năm 2015 tập trung đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp và dịch vụ gắn với thế mạnh kinh tế biển trở thành ngành kinh tế chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Huy động mọi nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển và ven biển, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Phấn đấu giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực vùng biển, ven biển đạt 20%/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; nâng thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2015 đạt 2.454 USD, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, nhất là đồng bào Khmer. Để thực hiện tốt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao nhằm tạo đột phá nâng cao khả năng cạnh tranh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp cơ khí đóng và sửa chữa tàu, thuyền, công nghiệp hàng tiêu dùng… Xây dựng vành đai kinh tế ven biển Trần Đề – Vĩnh Hải – Vĩnh Châu – Lai Hòa; quy hoạch xây dựng vành đai thành khu vực động lực phát triển kinh tế biển và ven biển của tỉnh với các khu chức năng như: Khu công nghiệp, cảng; khu du lịch – đô thị; khu dân cư nông thôn; khu nuôi trồng thủy sản; khu sinh thái rừng ngập mặn. Khai thác lợi thế phát triển du lịch biển với Côn Đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với đặc điểm văn hóa, lễ hội hằng năm của cộng đồng ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch ở Song Phụng (Long Phú), Mỏ Ó (Trần Đề), Hồ Bể (Vĩnh Châu)… nhằm thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()