Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng có nhiều nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế và tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao, bình quân giai đoạn 2005-2010 hơn 11,30%, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đô thị nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng luôn khẳng định quan điểm khai thác tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào địa bàn nhằm tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực và xem đây là một trong những động lực kinh tế quan trọng để tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
Sóc Trăng cách TP Hồ Chí Minh 231 km, cách thành phố Cần Thơ 61 km. Về đường bộ, Sóc Trăng nằm trên tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 60 ; về đường thủy, Sóc Trăng là một trong ba tỉnh dẫn đầu cả nước về chiều dài giao thông thủy, 3/9 cửa sông Cửu Long nằm trên đất Sóc Trăng. Được thiên nhiên ưu đãi, Sóc Trăng không bị lũ lụt như các tỉnh thượng nguồn, thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững và sản xuất công nghiệp được quanh năm. Sông, rạch chằng chịt và hơn 72 km bờ biển tạo thành ba vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 68 nghìn ha mặt nước nuôi trồng các loại thủy sản, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt hơn 184 nghìn tấn/năm, trong đó có nhiều loại có sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao như : tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, cá nước ngọt. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào và phong phú cho phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đất đai của Sóc Trăng đa dạng, thích hợp với lúa, rau màu, cây công nghiệp… Sản lượng lúa đạt hơn 1,6 triệu tấn/năm, trong đó có 900 nghìn tấn lúa hàng hóa có giá trị xuất khẩu. Cồn Mỹ Phước, Cù Lao Dung là những địa danh nổi tiếng trồng cây ăn trái. Về du lịch, Sóc Trăng có tiềm năng phát triển du lịch biển, rừng, sông nước miệt vườn, danh thắng chùa Việt, Khmer, Hoa và ưu thế vượt trội về văn hóa ẩm thực. Sóc Trăng còn có thương cảng Đại Ngãi, ngư cảng Trần Đề. Việc xây dựng những khu đô thị mới, khu công nghiệp, thương mại – dịch vụ mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Xác định thế mạnh đó, trong những năm qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế và ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nên đã thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã hình thành và quy hoạch bốn khu công nghiệp tập trung là An Nghiệp, Cái Côn, Trần Đề, Đại Ngãi với tổng diện tích hơn 700 ha và chín cụm CN-TTCN ở các huyện, thành phố với tổng diện tích gần 300 ha. Trong đó, khu công nghiệp An Nghiệp nằm ven quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng sáu km có diện tích 162 ha, với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.330 tỷ đồng, thu hút khoảng 25 nghìn lao động. Đến nay, các hạng mục như giải phóng mặt bằng, điện, nhà máy cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, hạ tầng giao thông… đã hoàn tất. Hiện có 27 doanh nghiệp đăng ký thuê 121 ha đất với 37 dự án, trong đó 10 doanh nghiệp có 11 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh với giá trị sản xuất công nghiệp tám tháng đầu năm đạt 383,76 tỷ đồng; chín doanh nghiệp với 11 dự án khác đang triển khai xây dựng; tám doanh nghiệp đang lập thủ tục đầu tư. Đây là khu công nghiệp thực hiện cơ chế quản lý hành chính một cửa. Mọi thủ tục liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư đều do Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh lo cho doanh nghiệp. Với cách làm này, các nhà đầu tư rất phấn khởi, bởi không chỉ “chạy việc” mà doanh nghiệp còn tiết kiệm được thời gian quan hệ với các ngành chức năng.
Để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Sóc Trăng đã và đang có nhiều nỗ lực để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ trương của tỉnh tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh cho ngành công nghiệp, trong đó đẩy mạnh mở rộng liên kết, liên doanh với các tỉnh bạn ; kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời công bố công khai lĩnh vực ngành nghề khuyến khích đầu tư, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Ngoài việc được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật, tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế, tín dụng ; hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, quảng cáo sản phẩm, chuyển giao công nghệ nhằm tạo thêm nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Các dự án do nhà đầu tư tự chọn địa điểm để thuê đất thô hoặc xin giao đất để đầu tư theo mục tiêu của nhà đầu tư và phù hợp với quy hoạch được duyệt, nhà đầu tư sẽ được UBND các cấp hỗ trợ việc xác định chi phí đền bù, tái định cư theo chính sách chung và tổ chức giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, tốc độ cho các doanh nghiệp thuê đất khá nhanh, tiến trình thu hút vốn đầu tư đạt được kết quả khả quan: Công ty TNHH Ngọc Tuyền thuê đất xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu (phường 7, TP Sóc Trăng); Công ty TNHH Thành Tín có dự án xây dựng nhà máy chế biến lương thực xuất khẩu (cụm công nghiệp huyện Ngã Năm, TP Sóc Trăng); Công ty TNHH Phương Nam có dự án nuôi tôm sạch (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu); Công ty cổ phần đầu tư Liên Nghĩa có dự án xây dựng Nhà máy điện gió (xã Trung Bình, huyện Trần Đề)… Nhiều dự án được triển khai đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần đáng kể tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư Sóc Trăng, từ năm 2009 đến tháng 5-2010, toàn tỉnh có thêm 47 dự án đầu tư đang được triển khai với tổng vốn đăng ký thực hiện gần 31 nghìn tỷ đồng; trong đó lĩnh vực công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng có 26 dự án với số vốn gần 20 nghìn tỷ đồng ; nông nghiệp chín dự án, 442 tỷ đồng… Nhiều công trình trọng điểm đã được khởi công, tập trung đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ Nam sông Hậu, Quản Lộ – Phụng Hiệp, quốc lộ 60, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Cảng Trần Đề, Trung tâm Điện lực Long Phú, bờ kè sông Maspero, Dự án thoát và xử lý nước thải TP Sóc Trăng… Ngoài ra còn có 28 dự án về các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, cảng – giao thông, thương mại – dịch vụ, môi trường… đang tiến hành lập các thủ tục đầu tư. Mặt khác, tỉnh còn tổ chức, tham gia nhiều hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế và các dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Huỳnh Thành Hiệp cho biết: Sắp tới, để tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, thông thoáng, tỉnh tiếp tục có những điều chỉnh bổ sung chính sách ưu đãi phù hợp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ; các ngành nghề chế biến thủy sản, nông sản và giải quyết việc làm cho người lao động. Cụ thể, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp ; hợp tác xúc tiến đầu tư theo vùng, lĩnh vực và xây dựng phương án kêu gọi đầu tư 31 dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước: hỗ trợ 50 đến 100% chi phí thuê gian hàng đối với các doanh nghiệp là đối tượng hưởng chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh khi tham gia hội chợ giới thiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 100% chi phí đăng ký bảo hộ thương hiệu về xuất xứ hàng hóa (gạo, hành tím, trái cây) cho các doanh nghiệp, câu lạc bộ, hợp tác xã… Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư của Sóc Trăng; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có liên quan và các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời thường xuyên duy trì các cuộc đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến ()