Sóc Trăng chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng luôn chịu ảnh hưởng của lốc xoáy, triều cường, sụt lún đất trong những tháng mùa mưa.
Để chủ động và hướng đến việc giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai, ngay từ những tháng đầu mùa mưa, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó để bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân.
Tại huyện Cù Lao Dung, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi triều cường, đời sống sản xuất của người dân luôn bị ảnh hưởng trong những tháng đỉnh triều cường. Trong năm 2013, triều cường đã làm vỡ đê gây ngập úng hàng trăm ha mía của người dân tại xã Đại Ân 1, An Thanh Ba, An Thạnh Nam. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực gia cố đê bao nhằm có được sự chủ động và đảm bảo sản xuất của người dân không bị ảnh hưởng trong những tháng nước lũ dâng cao.
Ông Phạm Hồng Văn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, hiện người dân và chính quyền địa phương đang khẩn trương, tích cực gia cố các đoạn đê bao xung yếu, đê không đảm bảo để kịp thời ứng phó với đợt triều cường dâng sắp tới. Do đặc thù là huyện cù lao, sông ngòi dày đặc lại nằm dọc sông hậu nên huyện Cù Lao Dung luôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt nước từ thượng nguồn đổ về mạnh. Vì thế, trong mùa mưa năm 2014, các công trình quan trọng để ứng phó với đợt triều cường đã được triển khai và cơ bản hoàn thành. Cụ thể, huyện đã gia cố đê bao xung yếu với tổng chiều dài gần 3.000 mét, nạo vét kết hợp gia cố bờ bao, khai thông thủy lợi 13 công trình phục vụ và bảo vệ sản xuất của người dân. Địa phương còn vận động người dân tự gia cố bờ bao của gia đình để bảo vệ nông sản với tổng khối lượng hơn 250.000 mét khối đất.
Sự chủ động của chính quyền trong việc gia cố các tuyến kênh rạch giúp người dân rất yên tâm và không còn lo lắng như những mùa mưa trước. Anh Lê Văn Ẩn ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết, chưa năm nào gia đình và người dân trong xã cảm thấy yên tâm trước đợt triều cường như năm nay vì các đê bao trong xã được nạo vét, gia cố hoàn chỉnh. Chỉ mới năm rồi, triều cường làm nhà cửa và ruộng mía của gia đình ngập cả thước; còn năm nay, đoạn kênh gần nhà vừa mới được chính quyền nạo vét và gia cố, giúp ruộng mía của gia đình và hàng trăm ha mía của người dân trong ấp được bao bọc, không phải lo nước lũ tràn vào.
Còn tại huyện Kế Sách, tình trạng sạt lở bờ sông xuất hiện càng nhiều, đe dọa đến các công trình giao thông, thủy lợi và làm hư hại nhiều nhà cửa, đất đai, hoa màu của người dân. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có không dưới 10 điểm sạt lở lớn, nhỏ, ước thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, trong 3 tháng gần đây nhất, tại huyện cũng đã xảy ra 3 cơn lốc xoáy, gây thiệt hại nhiều nhà cửa của người dân địa phương.
Theo ngành chức năng địa phương, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều điểm lớn, nhỏ khác có nguy cơ sạt lở, đặc biệt tại các con sông lớn có lưu lượng tàu thuyền di chuyển nhiều. Sạt lở càng lớn hơn vào cao điểm mùa mưa và triều cường dâng cao. Hiện huyện đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục, ứng phó như tiếp tục kiểm tra, gia cố hệ thống đê yếu, tăng cường công tác tuần tra các tuyến đê suốt mùa mưa bão, lập phương án cụ thể sơ tán dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra, huy động mọi nguồn lực và phương tiện cần thiết sẵn sàng khi cần có thể điều động. Ngoài ra, huyện còn tích cực vận động người dân xây dựng kè chắn sóng bằng rào tre, tràm hoặc trồng các loại cây chắn sóng dọc theo các bờ sông nhằm giảm nhẹ sạt lở. Bên cạnh đó, tại các địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở và đứng trước nguy cơ sạt lở, luôn có lực lượng thường xuyên theo dõi, để khi có tình huống xấu xảy ra, sẽ nhanh chóng ứng phó và di dời hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng.
Tại thị xã Ngã Năm, địa phương vùng sâu, vùng xa và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lốc xoáy và ngập úng của tỉnh Sóc Trăng, ngay từ đầu mùa mưa, UBND thị xã Ngã Năm đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xây dựng kế hoạch chủ động với phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn.
Với sự biến đổi ngày càng phức tạp của thời tiết, những cơn mưa to hay lốc xoáy, triều cường có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa. Hy vọng, với sự chủ động ứng phó, chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành trong tỉnh, mùa mưa bão năm 2014 tại Sóc Trăng sẽ giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()