Số trẻ em bị giết và tàn phế do xung đột tăng mạnh trong năm 2018
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông thực sự bị sốc trước con số hơn 12.000 trẻ em đã bị giết hại và tàn phế trong năm 2018 ở 20 cuộc chiến xảy ra trên thế giới.
Liên hợp quốc ngày 30/7 đánh giá 2018 là năm tồi tệ nhất đối với trẻ em bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột vũ trang với số trẻ em bị giết hại và tàn phế nhiều nhất từ trước tới nay.
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn báo cáo thường niên mới nhất của Liên hợp quốc về tình trạng trẻ em trong xung đột vũ trang cho biết, hơn 12.000 trẻ em đã bị giết hại và tàn phế trong năm 2018 ở 20 cuộc chiến xảy ra trên thế giới.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông thực sự bị sốc trước số vụ bạo lực đối với trẻ em lớn như vậy.
Trẻ em vẫn là đối tượng tuyển mộ tham chiến, đặc biệt ở Somalia, Nigeria, Syria và riêng trong năm 2018 có khoảng 7.000 trẻ em đã phải trực tiếp chiến đấu.
Nhiều trẻ em bị bắt cóc , trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục và hơn một nửa trong tổng số 2.500 vụ là ở Somalia.
Số vụ bạo lực tình dục đối với trẻ em theo báo cáo là 993 vụ, nhưng các quan chức Liên hợp quốc cho biết con số thực tế lớn hơn nhiều bởi nhiều em không dám tố cáo vì sợ định kiến và sợ bị trả thù.
Các vụ tấn công vào trường học và bệnh viện nhìn chung đã giảm, nhưng lại gia tăng ở một số điểm nóng, chẳng hạn như Afghanistan và Syria.
Mali là nơi trẻ em bị mất hoàn toàn quyền được đi học và quân đội trưng dụng luôn trường học. Tính đến cuối tháng 12/2018, có 827 trường học ở nước này bị đóng cửa khiến khoảng 244.000 trẻ em không được đi học.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Trẻ em trong Xung đột Vũ trang , bà Virginia Gamba đã kêu gọi các bên tham chiến phải bảo vệ trẻ em, có biện pháp cụ thể ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực đối với trẻ em .
Tuy nhiên, hiện có tình trạng hàng nghìn trẻ em bị buộc tham chiến nhưng lại không được coi là nạn nhân của các cuộc xung đột mà lại bị bỏ tù vì liên quan đến các phe nhóm vũ trang.
Số liệu năm 2018 cho thấy ở Syria và Iraq, phần lớn trẻ em bị tước đoạt tự do từ lúc rất nhỏ, dưới 5 tuổi.
Trong năm 2018, số trẻ em được trả tự do và tái hòa nhập cộng đồng là 13.600 em, tăng so với 12.000 em năm 2017.
Báo cáo của Liên hợp quốc kêu gọi các nước cần chung tay giúp đỡ trẻ em và phụ nữ có liên quan hoặc bị cho là liên quan tới các phe nhóm cực đoan được thoát khỏi các tổ chức này với mục tiêu đặt lợi ích của trẻ em lên ưu tiên hàng đầu.
Trong năm 2018, 3 kế hoạch hành động nhằm chấm dứt bạo lực và bảo vệ trẻ em đã được ký với các bên tham chiến trong các cuộc xung đột ở Cộng hòa Trung Phi và Syria.
Liên hợp quốc cũng ghi nhận những biến chuyển tích cực trong việc chấm dứt tuyển dụng trẻ em vào lực lực vũ trang và bảo vệ trẻ em ở các nước Yemen và Cộng hòa dân chủ Congo./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()