Sơ tán trên 48 nghìn người dân khỏi khu vực lồng, bè trên biển
Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT vừa có cập nhật về tình hình diễn biến và công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trên cả nước.
Theo dự báo đến 19h hôm nay (7/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc, 106,1 độ Kinh Đông trên đất liền phía Đông Bắc Bộ, di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h, sức gió cấp 9-10, giật cấp 12.
Từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.
Tổng lượng mưa trong 3 ngày trên cả nước (từ19h ngày 3/9 đến 19h ngày 6/9) phổ biến từ 70-120mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Ba Điền (Quảng Ngãi) 150mm; Ia Nan 1 (huyện Đức Cơ, Gia Lai) 199mm; Kiến Đức (Đắk Nông) 153mm; Bảo Lộc (Lâm Đồng) 149mm.
Về tình hình thủy văn, đã có cảnh báo lũ trên một số sông khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa: Từ ngày 7-10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Tại đây có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m.
Về tàu thuyền, theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h30 ngày 7/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thuỷ sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thuỷ sản và di dời toàn bộ lao động đến nơi tránh trú an toàn.
Khách du lịch trên các đảo: hiện có 193 khách du lịch ở lại trên đảo và lưu trú tại nơi an toàn (Quảng Ninh 12 người, Hải Phòng 181 người).
Tình hình sơ tán, di dời dân cư: Đã sơ tán 48.160 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.734 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Tình hình đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh: 2, Hải Phòng: 10, Thái Bình: 8, Nam Định: 8, Ninh Bình: 3, Thanh Hóa: 1, Hà Tĩnh: 5); 3 công trình đang thi công (2 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng).
Một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng; địa phương đã chuẩn bị, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn đê điều.
Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 04/9/2024 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các địa phương đã chủ động phương án ứng phó với bão.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT hiện còn 458.000ha lúa mùa khu vực đồng bằng sông Hồng đang trỗ, chín sáp, phân hóa đòng; nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài.
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN thành phố Hà Nội, mưa dông, lốc chiều ngày 6/9/2024 đã làm 1 người tử vong (bà Lê Thị Tình, sinh năm 1983, HKTT tại xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá), 6 người bị thương; 229 cây xanh bị gãy, đổ và 1 xe máy, 2 ô tô bị hư hỏng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã thăm hỏi gia đình người bị nạn, huy động lực lượng khắc phục hậu quả.
Ý kiến ()