Sở Tài chính thực hiện 22 nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 04/2022/TT-BTC hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính địa phương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, Sở Tài chính thực hiện 22 nhiệm vụ và quyền hạn.
Thông tư nêu rõ, Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; nợ chính quyền địa phương, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản công; các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; lĩnh vực giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền; đồng thời chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
22 nhiệm vụ và quyền hạn
Sở Tài chính thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn gồm:
1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh: Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài chính và các văn bản khác theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; dự thảo kế hoạch phát triển, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực tài chính – ngân sách, các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật…
2. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo phân công về lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở.
3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
4. Nhiệm vụ về quản lý ngân sách nhà nước
5. Nhiệm vụ về quản lý vốn đầu tư phát triển
6. Nhiệm vụ về quản lý tài chính đối với đất đai
7. Nhiệm vụ về quản lý tài sản công tại địa phương
8. Nhiệm vụ về quản lý nhà nước về tài chính đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước
9. Nhiệm vụ về quản lý tài chính doanh nghiệp
10. Nhiệm vụ về quản lý giá và thẩm định giá
11. Nhiệm vụ về quản lý nợ chính quyền địa phương
12. Thống nhất quản lý về tài chính đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.
13. Hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật.
14. Phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc thực hiện công tác quản lý thu phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn.
15. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức thực hiện đúng chế độ kê khai, cấp, đăng ký, sử dụng mã số đơn vị quan hệ ngân sách và triển khai các công việc khác được phân công theo quy định của pháp luật.
16. Tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, lưu trữ phục vụ công tác quản lý tài chính, quản lý giá, quản lý tài sản và chuyên môn nghiệp vụ được giao.
17. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tài chính.
18. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Tài chính (trừ các đơn vị thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) theo quy định của pháp luật; Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện các chính sách, chế độ về công tác cán bộ đối với công chức, viên chức và lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở.
19. Tham gia hợp tác quốc tế, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực tài chính theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
20. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ.
21. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ về giám định tư pháp thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
22. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2022.
Ý kiến ()