Sổ sức khỏe điện tử: Xây dựng “hộ chiếu vắc xin” trong phòng COVID-19
– Thời gian qua, để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Lạng Sơn đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, truy vết. Gần đây nhất là việc đưa ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) trong việc hỗ trợ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và xây dựng “hộ chiếu vắc xin” cho người dân trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh.
Sổ SKĐT là ứng dụng được sử dụng trên nền tảng Android và IOS có độ bảo mật cao được xây dựng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin tiêm chủng, thông tin y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng, đơn giản. Sổ SKĐT có thể được sử dụng chung cho 1 gia đình, chỉ cần 1 điện thoại thông minh có thể đăng kí cho toàn bộ gia đình. Ứng dụng này có nhiều tiện ích như: khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, cập nhật phản ứng sau khi tiêm; đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến… Đặc biệt, qua ứng dụng này, người dân có thể đăng kí tiêm vắc xin trực tuyến và biết được lịch sử tiêm vắc xin qua thông báo trên điện thoại.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đình Lập hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng, phần mềm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch
Lạng Sơn đã triển khai ứng dụng Sổ SKĐT từ đầu tháng 8/2021. Đến nay, toàn tỉnh có gần 15.109 thuê bao cài đặt ứng dụng sổ SKĐT. Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng cơ quan liên quan đã cập nhật được 97,62% số mũi tiêm (168.540/172.654 mũi) vào ứng dụng. Kết quả này giúp Lạng Sơn là địa phương xếp thứ 7 trong cả nước về việc cập nhập mũi tiêm trên nền tảng.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT thông cho biết: Có được kết quả trên là do sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng. Riêng trong tháng 8, Sở TT&TT đã đăng tải hơn 50 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và hơn 80 tin, bài tuyên truyền trên tất cả các website do sở vận hành. Qua đó, góp phần giúp Nhân dân trên địa bàn hiểu hơn về tình hình dịch bệnh và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.
Tại các cơ quan, đơn vị cũng đã tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cài đặt ứng dụng để có thể theo dõi sức khỏe, thông tin tiêm chủng, cách xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Cùng với đó, để việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 được diễn ra thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, tại các điểm tiêm chủng, các cơ sở y tế trên địa bàn đã bố trí nhân viên tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng. Điều quan trọng nhất hiện nay là sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19, người tiêm được cấp mã QR chứng nhận đã hoàn thành tiêm chủng, sử dụng rất tiện lợi, giúp tránh khỏi nhiều phiền toái trong sử dụng, bảo quản giấy xác nhận tiêm chủng.
Chị Nông Thị Oanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sau khi cài đặt ứng dụng sổ SKĐT, tôi có thể theo dõi sức khỏe của bản thân. Sau khi hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, tôi được cấp mã QR “tích xanh” đã tiêm đủ 2 mũi nên rất yên tâm không lo mất giấy xác nhận đã tiêm chủng.
Hiện nay, Lạng Sơn đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tính đến ngày 29/8, toàn tỉnh đã tiêm hơn 172.000 liều cho người dân từ 18 tuổi trở lên (đạt tỷ lệ hơn 31,11%). Mục tiêu của tỉnh đặt ra là đến quý I/2022, cả tỉnh có 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin COVID-19. Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để có thể hoàn thành mục tiêu trên 70% dân số từ 18 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19, chúng tôi mong muốn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ SKĐT để thực hiện đăng kí tiêm chủng trực tuyến. Qua đó, sẽ hỗ trợ hiệu quả nhân viên y tế trong thu thập, cập nhật thông tin cá nhân của người được tiêm trên hệ thống theo dõi tiêm chủng Quốc gia. Cùng với đó, giúp giảm ùn tắc tại các điểm tiêm vắc xin, hạn chế khả năng lây nhiễm khi tập trung đông người. Hiện nay, với 70% dân số trong tỉnh sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone) có thể cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ SKĐT thì tin chắc người dân sẽ cài đặt đầy đủ ứng dụng Sổ SKĐT, góp phần thúc đẩy tiến độ tiêm chủng và giúp công tác quản lý đối tượng đã tiêm chủng được thuận lợi hơn.
Có thể thấy, với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đó có ứng dụng Sổ SKĐT vào công tác phòng, chống dịch đã, đang và sẽ góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” – vừa triển khai tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh
Ý kiến ()