Sơ suất nhỏ, thiệt hại lớn
LSO-Theo Chi cục Kiểm lâm, hiện nay dự báo cấp cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp III (cấp nguy hiểm), nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng và khô hạn thì chỉ trong vài ngày tới, dự báo cháy rừng sẽ tăng lên cấp IV (cấp rất nguy hiểm) và cận kề cấp V (cấp đặc biệt nguy hiểm).
Rừng thông dự án Viêt- Đức ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đã phủ xanh đồi núi trọc- Ảnh: BT |
Theo thống kê của Phòng Quản lý và Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm), từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 31 ha. Trong đó hầu hết các vụ cháy rơi vào tháng 4, đặc biệt là dịp Thanh minh.
Vụ cháy rừng lớn nhất trên địa bàn thành phố Lạng Sơn trong tháng 4 vừa qua là vụ cháy ở xã Hoàng Đồng, diện tích thiệt hại lên tới 5,95 ha, nguyên nhân sau đó được cơ quan chức năng xác định là do sơ suất đốt vàng mã khi tảo mộ. Ông Lương Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố cho biết: đấy là thống kê vụ lớn, thiệt hại về rừng, còn những vụ cháy trảng cỏ, cháy dưới tán rừng thì trong tháng 4 vừa qua trên địa bàn thành phố xảy ra không dưới 8 vụ, có ngày cháy tới 3 vụ. Những năm trước kia, khi phân tích các nguyên nhân cháy rừng, nhắc tới nguyên nhân tảo mộ trong dịp Thanh minh, nhiều người cho rằng đây là chuyện đùa, thế nhưng hiện nay đây lại là một trong những nguy cơ lớn nhất. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thành phố bộc bạch: hiện tượng đốt vàng mã, đốt dọn trong dịp Thanh minh khiến cho lực lượng phải căng mình để phòng cháy. Nếu không kịp thời dập tắt các đám cháy nhỏ thì có lẽ con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ông Đoàn Tinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cao Lộc trầm ngâm: Cao Lộc cũng không khác gì thành phố, trong tháng 4 vừa qua, đặc biệt là trong dịp Thanh minh, Cao Lộc đã tăng cường tuyên truyền bằng rất nhiều hình thức, qua phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với tuyên truyền lưu động. Thậm chí vào ngày 3/3 (âm lịch), Kiểm lâm bố trí cả lực lượng lên các khu vực nghĩa trang vừa để tuyên truyền vừa để kiểm soát các nguy cơ cháy rừng. Quyết liệt là vậy, nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra 6 vụ cháy rừng làm thiệt hại 5,38 ha. Thời gian qua, Đình Lập là huyện xảy ra số vụ cháy rừng nhiều nhất, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, trên địa bàn huyện xảy ra tới 8 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 19,1 ha. Ông Bế Văn Tiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đình Lập cho biết: huyện đã huy động khoảng 500 lượt người để dập tắt các đám cháy, có những vụ, lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ huy chữa cháy, nhờ vậy mới giảm bớt được phần nào thiệt hại. Nguyên nhân hầu hết là sơ suất trong đốt bờ ruộng, đốt dọn thực bì… để lửa lan vào rừng; thậm chí có vụ nghi là có người cố tình đốt rừng của nhau… hiện nay lực lượng đang tiếp tục xác minh.
Lực lượng chức năng huyện Đình Lập dập lửa rừng – Ảnh: LÊ MINH |
Ông Cao Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng cho biết: ngay từ đầu mùa hanh khô, Chi cục Kiểm lâm đã đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng, qua đó cơ bản các hạt đã chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng phương án phòng chống; bố trí cán bộ kiểm lâm địa bàn, tăng cường tuyên truyền và hợp đồng thuê gác lửa rừng tại các khu vực trọng điểm…
Tuy nhiên về tổng thể, phòng lửa rừng vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Lạng Sơn có khoảng 400 nghìn ha rừng. Trong đó có trên 200.000 ha là rừng trồng. Trong số này có trên 90.000 ha rừng thuần thông là vùng trọng điểm cháy. Trong khi đó, những năm trước đây, khi trồng rừng hầu hết các chủ rừng chưa chú trọng tới việc tạo các đường băng cản lửa như băng xanh hoặc băng trắng theo đúng kỹ thuật vì vậy khả năng bắt cháy và lan rộng là rất lớn. Khả năng chữa cháy lại tỷ lệ nghịch với nguy cơ cháy, bởi hầu hết các khu rừng tập trung đều có đường giao thông rất khó khăn, việc phát triển các hệ thống đường nhánh lâm sinh lên rừng còn nhiều hạn chế
Bởi vậy ngoài sự vào cuộc của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, để nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng, người dân, đặc biệt là các chủ rừng cần nâng cao ý thức, chủ động phòng lửa rừng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()