Số người tử vong do Covid-19 vượt mốc hai triệu
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 15-1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 2.001.207 ca tử vong trong tổng số 93.507.725 ca mắc Covid-19.
Tính theo khu vực, Bắc Mỹ có nhiều ca nhiễm nhất (27,2 triệu ca) trong khi châu Âu ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (612.762 ca). Châu Á hiện có hơn 21,8 triệu ca nhiễm và 353.324 ca tử vong trong khi Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 14,3 triệu ca nhiễm và 383.586 ca tử vong.
Tại Bắc Mỹ, nước Mỹ chiếm đa số ca nhiễm của khu vực (23,8 triệu ca), trong đó có 397.920 ca tử vong. Mexico đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm và 136.917 ca tử vong. Giới chức y tế Chile cho biết nước này vừa phát hiện 15 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ban đầu từ Anh. 12 người trong số này đi cùng một chuyến bay từ Tây Ban Nha đến thủ đô Santiago de Chile hồi tháng trước, trong khi ba người còn lại là những người đã tiếp xúc gần với những người trên. Hiện cả 15 người bệnh này đều trong tình trạng sức khỏe ổn định và không xuất hiện các triệu chứng điển hình của Covid-19.
Tại châu Âu, Nga và Anh đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca nhiễm trong khi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức đều có hơn hai triệu ca; Ba Lan và Ukraine cũng ghi nhận hơn 1,1 triệu ca. Anh là nước có nhiều ca tử vong nhất với 86.015 ca, Italy đứng thứ hai với 80.848 ca. Thị trưởng thủ đô Moscow của Nga, ông Sergei Sobyanin ngày 14-1 cho biết tình hình sẽ cải thiện nhờ tiêm phòng, đồng thời tuyên bố thành phố này có thể quay trở lại cuộc sống bình thường vào khoảng tháng 5. Chính quyền Moscow cũng đang phát triển một hệ thống nới lỏng hạn chế cho những người đã nhiễm SARS-CoV-2 và có kháng thể.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Liên hiệp châu Âu (EU) đang thúc đẩy phát triển 24 dự án liên quan tới việc thu thập huyết tương của những người được chữa khỏi Covid-19. Các huyết tương này được sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh Covid-19. Công tác nghiên cứu này được cơ chế “Công cụ Hỗ trợ khẩn cấp” của EU (ESI) tài trợ với tổng chi phí 36 triệu euro. Các dự án sẽ được thực hiện tại 14 quốc gia thành viên EU và tại Vương quốc Anh.
Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên hơn 10,5 triệu ca và nhiều ca tử vong nhất (151.954 ca). Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt 2,3 triệu trong khi của Iran vượt 1,3 triệu. Iran cũng là nước có nhiều ca tử vong thứ hai châu lục với 56.538 ca.
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong những ngày gần đây đã khiến hệ thống y tế tại nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ quá tải. Hiện tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị người bệnh Covid-19 ở thủ đô Tokyo là 80%, Osaka 66%, Fukushima 60% và Gifu 63%. Riêng tại TP Kobe thuộc tỉnh Hyogo, tỷ lệ này lên tới 96% với 154/160 giường đang được sử dụng. Về lây nhiễm dịch bệnh, có nhiều ca lây nhiễm trong gia đình (347 trường hợp), tiếp đến là lây nhiễm tại nơi làm việc và các địa điểm ăn uống. Tuy nhiên, lây nhiễm tại nơi làm việc dường như đang có xu hướng tăng lên sau kỳ nghỉ Tết dương lịch vừa qua.
Tại Nam Mỹ, Brazil có nhiều ca nhiễm nhất với 8,3 triệu ca. Colombia, Argentina và Peru đã ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm và trên dưới 40 nghìn ca tử vong.
Châu Phiít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm và 76.838 ca tử vong. Nam Phi chiếm đa phần trong số này với 1.296.806 ca nhiễm và 35.852 ca tử vong. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết các quốc gia trong châu lục hiện đang trải qua làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.
Đề cập tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12-2020, bà Moeti nhấn mạnh theo kết quả từ các phân tích gần đây thì đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh và do đó có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, tổ chức này đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi kêu gọi các quốc gia trong châu lục khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vaccine ngừa Covid-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 15-1 (giờ Việt Nam):
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 23.847.213 ca mắc, 397.920 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.528.346 ca mắc, 151.954 ca tử vong
3. Brazil: 8.326.115 ca mắc, 207.160 ca tử vong
4. Nga: 3.495.816 ca mắc, 63.940 ca tử vong
5. Anh: 3.260.258 ca mắc, 86.015 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 869.600 ca mắc, 25.246 ca tử vong
2. Philippines: 494.605 ca mắc, 9.739 ca tử vong
3. Malaysia: 147.855 ca mắc, 578 ca tử vong
4. Myanmar: 132.865 ca mắc, 2.912 ca tử vong
5. Singapore: 59.029 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 11.262 ca mắc, 69 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.531 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 411 ca mắc
9. Brunei: 174 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 27.205.815 ca mắc, 573.611 ca tử vong
2. Châu Âu: 26.897.408 ca mắc, 612.762 ca tử vong
3. Châu Á: 21.810.226 ca mắc, 353.324 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 14.352.296 ca mắc, 383.586 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.191.828 ca mắc, 76.838 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 49.431 ca mắc, 1.071 ca tử vong
Ý kiến ()