Số người hút thuốc lá trên toàn thế giới giảm 2,5% trong một thập kỷ
Số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đã giảm 2,5% trong một thập kỷ sau khi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu có hiệu lực năm 2005.
Trong báo cáo đăng trên tạp chí y học Lancet (Pháp), các nhà nghiên cứu thuộc WHO khẳng định tỷ lệ người hút thuốc giảm mạnh nhất trong thời gian các nước thực thi các biện pháp được kêu gọi trong Công ước về sức khỏe toàn cầu trên. Tuy nhiên, số người hút thuốc lại tăng ở một số nước không thực hiện những cam kết trong thỏa thuận trên. Điều này cho thấy chính sách chống thuốc lá trên thực tế vẫn tạo ra những khác biệt rõ rệt.
Theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO, 180 quốc gia ký kết văn bản trên đã đồng ý áp đặt hoặc tăng các mức thuế đối với thuốc lá, lập các khu vực hút thuốc lá, dán nhãn cảnh báo về sức khỏe trên các bao thuốc, cấm quảng cáo thuốc lá…
Dựa vào số liệu khảo sát tại 126 quốc gia, giáo sư Geoffrey Fong, thuộc Đại học Waterloo, đồng tác giả nghiên cứu của WHO, cho biết công ước về kiểm soát thuốc lá đã thành công trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc ở những nước tham gia thực thi công ước.
Tính trung bình, tỷ lệ người hút thuốc tại 126 quốc gia đã giảm từ 24,7% xuống còn 22,2% trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức tăng giảm giữa các nước lại chênh lệch rõ rệt. Số người hút thuốc giảm chủ yếu ở 90 nước, không thay đổi ở 12 nước và tăng ở 24 nước.
Tại khu vực Bắc Âu và Nam Mỹ, nơi các chính phủ áp dụng nhiều biện pháp chống hút thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc giảm lần lượt là 7,1% và 6,8% trong giai đoạn 2005-2015. Trong khi tại châu Phi, số người hút thuốc tăng 3,4% tại các nước Tây Phi, 12,6% tại các nước Trung Phi và 4,6% tại một số nước Bắc Phi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng số người sử dụng thuốc tăng tại một số nước là do việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vẫn lỏng lẻo, thậm chí chưa có ở một số khu vực. Theo thống kê của WHO, cho đến nay, hút thuốc lá vẫn được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên thế giới, với số người chết mỗi năm lên tới gần 6 triệu người. Ngoài việc làm giảm năng suất lao động, các bệnh do hút thuốc gây ra còn làm thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe trên thế giới./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()