Số lượng đạt điểm trung bình môn tiếng Anh có thể cao hơn năm ngoái
“Dễ thở” hơn, số lượng học sinh có thể đạt điểm trung bình cao hơn năm ngoái… là những nhận định của các giáo viên về đề thi môn Tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Thí sinh sau buổi thi tại trường THPT Việt-Đức, Hà Nội. |
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) sau khi đọc mã đề 401 nhận xét: “Cấu trúc đề sát với đề tham khảo, “dễ thở” hơn đề năm ngoái. Với học sinh ở mức học trung bình có thể đạt được từ 4,5-5 điểm. Những học sinh khá nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và luyện tập theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn, có thể đạt được khoảng từ 7-8 điểm”.
Theo cô Hằng, học sinh giỏi đã được làm quen với các dạng bài nâng cao, có thể đạt được điểm 8,5-9 điểm. Để đạt được điểm 10 học sinh phải nắm rất chắc kiến thức cơ bản và nâng cao, có vốn từ vựng phong phú, có kỹ năng làm bài chuẩn xác.
Mức độ Nhận biết và Thông hiểu vào dạng bài phát âm, trọng âm, chức năng giao tiếp, ngữ pháp cơ bản, nối câu. Mức độ Vận dụng và Vận dụng cao vào các dạng bài đọc hiểu, câu hỏi từ vựng và ngữ pháp nâng cao. Đề này sẽ giúp phân loại được học sinh giỏi dựa vào các dạng bài đọc hiểu và câu hỏi về từ vựng.
Một số câu hỏi như câu 10, 19, 23, 24, 25, 36, 42 (mã đề 401) đòi hỏi học sinh phải có vốn từ vựng phong phú và hiểu được văn cảnh đưa ra.
Để đạt được điểm tuyệt đối trong phần Đọc hiểu, ngoài nắm được ý chính và các thông tin chi tiết, học sinh cần phải có khả năng suy luận, đoán nghĩa của từ trong văn cảnh.
“Một trong những điểm tôi khá thích trong đề là chủ đề của bài đọc đề cập đến vấn đề mang tính thời sự hiện nay là rác thải điện tử, giúp các em học sinh nhận thức về mối nguy hại của rác thải điện tử với môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.
So với đề tham khảo mà học sinh đã được làm thử thì đề thi này sẽ không làm các em choáng ngợp, bởi có sự tương đồng về độ khó, cấu trúc đề. Với đề năm nay số lượng học sinh có thể đạt điểm trung bình cao hơn so với năm ngoái, cô Hằng nhận định.
Còn cô giáo Phương Nhân, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) lại đánh giá: “Chủ đề các bài đọc hiểu thú vị và có tính thời sự”.
Với mã đề 401, đề thi tiếng Anh năm nay được thiết kế với các bài đọc hiểu đòi hỏi thí sinh phải có các kỹ năng như: Đọc nhanh, tìm kiếm thông tin cụ thể, nắm bắt ý chính của đoạn văn, phán đoán nghĩa của từ trong văn cảnh, khả năng suy luận và vốn từ khá phong phú.
Chủ đề các bài đọc hiểu thú vị và có tính thời sự, bám sát các nội dung trong chương trình sách giáo khoa.
Đề thi bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố vào cuối năm 2018.
Các câu hỏi khó, có tính phân hóa học sinh tập trung vào các câu hỏi về cụm từ. Nếu học sinh không luyện tập thường xuyên thì khó chọn được phương án chính xác.
Để được điểm cao với đề thi này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và nâng cao trong chương trình sách giáo khoa và luyện tập chăm chỉ các dạng bài, dạng đề mà các thầy cô giáo hướng dẫn trên lớp.
Theo cô Nhân, với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt 4-5 điểm, điểm khá sẽ tương đối phổ biến và sẽ không có nhiều điểm 10 với đề thi này.
Cô giáo Trần Thị Uyên, Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phân tích về cấu trúc, đề thi đúng theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Đề gồm 50 câu trắc nghiệm, đảm bảo được 4 mức độ phân hóa: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao. Vì vậy, cô Uyên cho rằng phổ điểm trung bình từ 6-7 nếu học sinh học lực trung bình khá, ôn luyện tốt sẽ dễ dàng đạt được.
Để đạt điểm 8-9, học sinh cần có vốn từ vựng phong phú và kỹ năng làm bài loại trừ đáp án đúng, sai. Để đạt điểm tối đa là khá khó.
Chủ đề các bài đọc trong đề thi bám sát nội dung kiến thức lớp 12, mang tính thời sự như đề cập đến vấn đề môi trường, rác thải điện tử.
Về phần ngữ pháp, cơ bản bám sát chương trình nên các đối tượng học sinh có thể làm được.
Các câu khó của đề rơi vào phần từ vựng. Ví dụ trong mã đề 401, câu 10 (tìm từ trái nghĩa cho thành ngữ) là rất khó đối với học sinh. Đây là vấn đề mới, khó. Câu số 7 học sinh phải suy nghĩ kỹ, có vốn từ vựng phong phú mới có thể làm được. Câu 25 cũng là câu liên quan đến từ vựng và giới từ cũng khá khó với học sinh.
Đề năm nay rút bớt phần bài đọc (7 câu thành 5 câu) để tăng 2 câu từ vựng, vì vậy học sinh cần khắc phục phần từ vựng. Học sinh thường giỏi ngữ pháp nhưng kém phần từ vựng. Đây cũng là cách để học sinh chú trọng hơn phần từ vựng khi ôn tập năm sau.
Giáo viên tiếng Anh cho rằng chủ đề các bài đọc hay, mang tính cập nhật, có thể phát huy tính giáo dục. Đề thi yêu cầu học sinh có kỹ năng làm bài đọc, tìm xác định thông tin nằm ở phần nào bài đọc thì mới làm tiếp được.
Những câu có tính phân hóa học sinh để đạt điểm cao gồm là các câu 30, 35, 42.
Ý kiến ()