Số lượng công ty "zombie" trên thế giới tăng cao
Theo AP, hiện nay, những doanh nghiệp đang tồn tại trong tình trạng nợ nần chồng chất, khả năng trả nợ ngày càng suy giảm đến mức loạng choạng trên bờ vực phá sản, thường được biết đến với tên gọi công ty "zombie". Đây là những công ty không thể tạo ra đủ doanh thu từ hoạt động kinh doanh để trả lãi cho khoản vay của mình trong 3 năm liên tiếp.
Theo một phân tích của AP, có gần 7.000 công ty "zombie" trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 2.000 công ty ở Mỹ. Những cái tên nằm trong danh sách này không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn bao gồm những tên tuổi lớn như công ty du thuyền Carnival Cruise Line, hãng hàng không JetBlue Airways của Mỹ, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Italy Telecom Italia và gã khổng lồ bóng đá Anh Manchester United.
Điều đáng lo ngại là số lượng công ty "zombie" đang tăng mạnh trên toàn cầu. AP ước tính số lượng công ty như vậy đã tăng khoảng 30% trong thập kỷ qua, đặc biệt ở những quốc gia như: Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ. Khi số lượng các công ty này tăng lên, thiệt hại tiềm tàng cũng tăng theo. Nếu họ rơi vào tình trạng phải nộp đơn phá sản hoặc đóng cửa vĩnh viễn, điều này đồng nghĩa ít nhất 130 triệu người ở hàng chục quốc gia cũng sẽ mất việc làm.
Robert Spivey, Giám đốc điều hành của công ty Valens Securities, nhận xét những công ty "zombie" yếu nhất "đang trên bờ vực sụp đổ". Mặc dù có những kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất để hỗ trợ các công ty này, nhưng sự gia tăng của các công ty "zombie" vẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ nhiều công ty đối mặt với phá sản, tạo ra một làn sóng tiêu cực cho thị trường. Nguy hiểm nhất là khoản vay nợ của các công ty "zombie" thường không được sử dụng để mở rộng, thuê hoặc đầu tư vào công nghệ mà để mua lại cổ phiếu của chính họ. Nhưng mua lại cổ phiếu quá nhiều có thể làm cạn kiện số lượng tiền mặt của doanh nghiệp. Điều này đã xảy ra tại Bed Bath & Beyond-chuỗi bán lẻ đồ gia dụng từng vận hành 1.500 cửa hàng đã phải nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái.
Mức tăng đột biến của các công ty Mỹ phá sản, cùng với xu hướng tương tự ở nhiều quốc gia khác như Canada, Anh và Tây Ban Nha, càng làm tăng lo ngại về tình trạng nợ nần chồng chất và sự không ổn định trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi các quốc gia trên thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với những thách thức từ sau đại dịch Covid-19, việc quản lý và giải quyết vấn đề của các công ty "zombie" sẽ là một phần quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Ý kiến ()