Sổ liên lạc điện tử: Gắn kết nhà trường với gia đình học sinh
Những ngày đầu tháng 8/2015, điện thoại của chị Đào Thị Thơm, mẹ em Mẫn Đào Sơn Tùng, học sinh lớp 8A5 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn liên tục nhận được tin nhắn từ trường thông báo thời gian, hoạt động của trường trong dịp đầu năm học mới. Chị Thơm nói: “Thật là tiện lợi khi cha mẹ ở nhà vẫn nắm bắt được mọi hoạt động của trường và con mình. Nhờ có dịch vụ này, chúng tôi không mất nhiều thời gian đến trường xem thông báo như trước đây”.
Các tin nhắn như: “Cháu hôm nay tiếp thu bài tốt, được cô khen trong giờ học toán”, “Cháu hôm nay ôn bài chưa kỹ, bị cô giáo nhắc nhở”, “8 giờ sáng mai, cháu đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Đề nghị cha mẹ nhớ nhắc nhở con chuẩn bị đủ đồ dùng dụng cụ học tập và đưa con đến thi đúng giờ”, “Hôm nay, bé viết bài nhanh hơn, tập trung trong giờ học, ngủ đúng giờ đủ giấc”, “Sáng mai tiêm ngừa sởi, kính nhắc phụ huynh cho trẻ ăn no”… là những tin nhắn thường xuyên được gửi đến cha mẹ của học sinh thuộc 9 trường gồm THCS: Chi Lăng, Hoàng Văn Thụ, Tam Thanh, Đông Kinh, Vĩnh Trại; tiểu học: Hoàng Văn Thụ, Đông Kinh; mầm non: Hoa Sữa, 1/6 thành phố Lạng Sơn.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn) tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm “sổ liên lạc điện tử”
Có được những tin nhắn này là do cha mẹ học sinh đã đăng ký tham gia ứng dụng phần mềm “sổ liên lạc điện tử”.
Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: “sổ liên lạc điện tử” là cách để gia đình và thầy cô cùng thể hiện sự quan tâm sâu sát với học sinh. Sau 5 năm ứng dụng, phần mềm hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý giáo dục, góp phần nâng kết quả dạy và học của trường. Năm học 2011-2012, toàn trường chỉ có 91% học sinh lớp 9 đỗ các trường THPT nhưng đến năm 2014-2015 tăng lên 97%. Học sinh đỗ Trường THPT chuyên Chu Văn An tăng từ 17 em (năm học 2011-2012), lên 30 em (năm học 2012-2013) và 65 em (năm học 2014-2015).
Cô Lý Thị Nhạn, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: “Dịp hè này, các hoạt động của lớp được thông báo thường xuyên, kịp thời đến cha mẹ học sinh qua “sổ liên lạc điện tử”. Nhờ đó những hoạt động ôn thi đội tuyển học sinh giỏi, chuẩn bị năm học mới… đều được diễn ra đúng kế hoạch”.
Chị Vi Thị Thanh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đông Kinh cho biết: “những tin nhắn hằng ngày của trường thông báo tình hình hoạt động của con khiến tôi yên tâm hơn. Đọc tin nhắn biết con mình đang tham gia hoạt động gì, sinh hoạt như thế nào, học tập ra sao ở trường. Đặc biệt, khi biết con bị điểm kém, sinh hoạt ở trường chưa tốt, tôi có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường để dạy dỗ con tốt hơn”.
Tại thành phố Lạng Sơn, phần mềm này được áp dụng từ năm học 2011-2012. Hiện 9 trường trên địa bàn cài đặt sử dụng ở 2 gói dịch vụ gồm VNPT SCHOOL và SMAS 2.0. Các hình thức “sổ liên lạc điện tử” thường áp dụng gồm thực hiện qua tin nhắn đến điện thoại di động của cha mẹ học sinh, đăng tải thông tin học sinh trên trang web của trường, cha mẹ học sinh dùng tài khoản đã đăng ký để xem thông tin, nhà trường gửi email đến cha mẹ học sinh.
Anh Nguyễn Trần Khánh, chuyên viên Phòng GD-ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: toàn ngành có 37 trường ở 3 cấp học (27 trường công lập, 10 trường tư thục). Hiện nay ngành đang thí điểm thực hiện tại 9 trường THCS, tiểu học, mầm non công lập. Đây là dịch vụ mang lại nhiều lợi ích trong quản lý giáo dục nên Phòng tiếp tục khuyến khích các trường nếu đủ điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất thì áp dụng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Ý kiến ()