Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn 30 năm xây dựng và phát triển
- Cách đây 30 năm, ngày 17/10/1994, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 710 thành lập Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Lạng Sơn. Năm 2003, thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 30/9/2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1819 đổi tên Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành Sở Khoa học và Công nghệ. Đây chính là dấu mốc quan trọng để Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn tập trung thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành khoa học, công nghệ.
Trải qua 30 năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương trong tỉnh và sự hợp tác của các cơ quan khoa học trung ương, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh Lạng Sơn đã phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực phục vụ việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các đề tài, dự án tập trung vào ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để chọn lọc, phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong thu hoạch, chế biến, bảo quản nông, lâm sản đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi quý hiểm, đặc sản có giá trị của địa phương
Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, các đề tài ứng dụng khoa học và công nghệ hướng đến mục tiêu vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả của công trình, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và sử dụng tiết kiệm tài nguyên; tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng các mô hình thiết bị tiết kiệm năng lượng, đổi mới thiết bị công nghệ, hỗ trợ chuyển giao cho người nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả trong sản xuất; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch
Trong lĩnh vực y dược, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh và ứng dụng các kỹ thuật mới, tiên tiến vào điều trị tại các cơ sở y tế, qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác khám, chẩn đoán, điều trị bệnh; nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng vùng bảo tồn gen cây dược liệu và quy hoạch phát triển dược liệu, khai thác các tri thức bản địa vào chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trong Lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, các hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề môi trường, lồng ghép các vấn đề môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhằm mục tiêu khôi phục, bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cơ sở khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng hệ thống chính trị, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu căn cứ khoa học, góp phần lý giải, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống,
Về giáo dục và đào tạo, tăng cường nghiên cứu ứng dụng nâng cao chất lượng công tác quản lý, phát triển bền vững giáo dục; nâng cao chất lượng công tác dạy và học; biên soạn tài liệu dạy học; giải pháp phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, dạy học tích hợp liên môn, giáo dục STEM…
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống các giải pháp đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, bảo vệ bí mật nhà nước, phòng chống tội phạm nguy hiểm và nghiên cứu các vấn đề an ninh trên các mặt chính trị, tư tưởng - văn hóa.
Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác khảo sát, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được quan tâm chú trọng, kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng và kiến nghị các cơ quan liên quan có biện pháp quản lý đối với các hàng hóa không đáp ứng các quy định của pháp luật.
Đơn vị đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động đảm bảo đo lường phù hợp đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần hiện đại hóa nền hành chính và cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian qua.
Hoạt động quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an ninh phóng xạ trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ về sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát huy hiệu quả trong các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác quản lý công nghệ được thực hiện hiệu quả đã thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, góp phần ngăn chặn các công nghệ lạc hậu, công nghệ cấm chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, việc tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tại các chợ công nghệ và thiết bị (techmart), techfest, hội chợ, hội nghị, hội thảo đã đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng cường gắn kết nghiên cứu với sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm khoa học và công nghệ của tỉnh; góp phần nâng cao sức cạnh tranh và giá trị hàng hoá của các sản phẩm, thúc đẩy lưu thông, tạo ra các cơ hội liên kết, trao đổi để thương mại hóa sản phẩm.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Đến nay, có trên 600 nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ, trong đó 33 nhãn hiệu tập thể; 9 nhãn hiệu chứng nhận; 6 chỉ dẫn địa lý.
Việc xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông, lâm sản, các sản phẩm đặc sản của địa phương đã góp phần tích cực phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; góp phần thúc đẩy trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm.
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất sản phẩm hoa hồi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" quảng bá tại nước ngoài (Trung Quốc), nhằm phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và chia sẻ thông tin về sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đang được diễn ra theo chiều hướng tích cực, bước đầu đã có sự chung tay và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo được sự lan tỏa về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tạo được sự kết nối một số yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích sự phát triển của những ý tưởng, dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn tỉnh, phù hợp với xu hướng chung của vùng, của quốc gia.
Có thể nói, sau 30 năm nỗ lực không ngừng, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu lớn, từng bước thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực trên địa bàn theo hướng bền vững dựa vào nền tảng khoa học công nghệ tiến tiến cùng sự sáng tạo đổi mới không ngừng.
Ghi nhận những thành tựu đó, Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều tập thể và cá nhân đã nhận được những phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến trong suốt 30 năm qua.
Chặng đường 30 năm qua đi với những khó khăn, vất vả song đã mang lại nhiều vinh quang và thành tựu cho ngành khoa học và công nghệ của Lạng Sơn. Những thành tựu đã đạt được trong suốt 30 năm chính là nền tảng vững chắc để ngành khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn tiếp tục giành được những kết quả quan trọng hơn nữa, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và đất nước nói chung.
Ý kiến ()