Sở Khoa học và Công nghệ: Tăng cường kiểm tra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
– Trong thực tế, tình trạng sản xuất, cung ứng, lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, gần đây nhất là thực hiện Kế hoạch 118/KH-UBND ngày 7/7/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở KH&CN đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; hỗ trợ người tiêu dùng; tăng cường tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật liên quan đến người tiêu dùng… Ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, sở tích cực chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiến hành khảo sát chất lượng, nhãn hàng hóa đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường; tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiểm tra về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, đo lường chất lượng nhằm mục đích tránh gian lận trong sản xuất, kinh doanh để bảo vệ người tiêu dùng.
Sở KH&CN phối hợp kiểm tra cơ sở chế biến quả trám đen tại thành phố Lạng Sơn
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, sở đã tổ chức được 13 cuộc kiểm tra, khảo sát 100 cơ sở về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với các mặt hàng xăng dầu, nhiên liệu diesel, vàng trang sức mỹ nghệ, đồ điện, điện tử, hàng đóng gói sẵn; lấy 49 mẫu hàng hóa đóng gói sẵn để thử nghiệm một số chỉ tiêu chất lượng, qua đó, đã phát hiện và xử phạt 3 cơ sở có hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng hàng hóa với số tiền hơn 42 triệu đồng. Đặc biệt, đơn vị còn phát hiện 8 mẫu hàng đóng gói sẵn không đạt các chỉ tiêu chất lượng và kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng, kiến nghị cơ quan liên quan có biện pháp quản lý hiệu quả. Ngoài ra, Sở KH&CN còn phối hợp khảo sát chất lượng, đo lường, nhãn hàng hóa đối với mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng tại 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; xử lý hồ sơ và cấp đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với trên 1.700 lô hàng hóa nhập khẩu (đồ chơi trẻ em, đồ điện, thép) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; thanh tra 19 cơ sở về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ trong sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế và đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong y tế, hành nghề y dược và công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với thanh, kiểm tra, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật được Sở KH&CN chú trọng. Đơn vị tuyên truyền thường xuyên các nội dung liên quan trên website của sở và tuyên truyền trực tiếp cho các chủ cơ sở, sản xuất, kinh doanh tại các cuộc thanh, kiểm tra; ban hành văn bản hướng dẫn gửi tới các tổ chức, cá nhân, gắn với đó là tiếp nhận thông tin, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng. Từ năm 2020 đến nay, sở đã phối hợp, lồng ghép tuyên truyền cho hơn 1.000 người về việc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Oanh, tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa tại khối 9, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua công tác kiểm tra, tuyên truyền của lực lượng chức năng, tôi biết các mặt hàng kinh doanh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo khối lượng. Chính vì vậy, tôi thường xuyên kiểm tra, theo dõi mỗi khi nhập hàng, cách làm này vừa giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa giữ uy tín cho người bán hàng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, người kinh doanh chân chính.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định các quyền người tiêu dùng được bảo vệ như: an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, quyền được bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn… |
Ý kiến ()