Sở Khoa học và Công nghệ: Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
(LSO) – Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đưa ra 6 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 4 nhiệm vụ chuyên môn. Kết thúc năm, các hoạt động đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đó là nỗ lực rất lớn của cán bộ, lãnh đạo sở. Nhờ đó, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lợi.
Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Năm 2018, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; xây dựng nhãn hiệu và tìm kiếm mở rộng thị trường; phổ biến thành tựu nghiên cứu giúp người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng…
Nổi bật nhất trong năm 2018 là công tác phát triển tài sản trí tuệ. Trong năm, đã có 7 sản phẩm: quýt, quế huyện Tràng Định; khoai lang huyện Lộc Bình; rau huyện Cao Lộc; ba kích huyện Đình Lập; nem nướng huyện Hữu Lũng; cao khô Vạn Linh, huyện Chi Lăng được cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó uy tín, danh tiếng và giá trị sản phẩm được nâng lên. Cùng với đó, nông dân có sự thay đổi trong cách nghĩ cũng như cách sản xuất. Ông Đặng Văn Lương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng, huyện Bắc Sơn cho biết: Để sản phẩm quýt được người tiêu dùng tin tưởng, chúng tôi phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hơn như vậy mới tạo ra sản phẩm chất lượng, có lợi cho người tiêu dùng.
Cán bộ Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm nhân giống khoai tây bằng phương pháp khí canh
Để có được kết quả này, Sở KH&CN đã cử cán bộ chuyên trách nghiên cứu, hướng dẫn các bước cụ thể xây dựng nhãn hiệu tập thể cũng như thẩm định hồ sơ trước khi gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ. Nhờ theo dõi sát sao quá trình thực hiện mà 7/8 hồ sơ gửi đi đều được công nhận.
Không chỉ hỗ trợ các huyện xây dựng nhãn hiệu tập thể, Sở KH&CN đẩy mạnh áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Đã có 45 mô hình được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, 5 mô hình nuôi lợn nái Móng Cái; 20 mô hình trồng lạc năng suất cao, 20 mô hình trồng lúa giống mới. Nhờ thực hiện mô hình, nông dân nắm được các quy trình, kỹ thuật mới phục vụ sản xuất. Cùng đó, thử nghiệm và ứng dụng thành công 4 đề tài, dự án đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương gồm: xây dựng mô hình thâm canh táo Đài Loan, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo phương pháp tiếp cận năng lực, cứng hóa đường giao thông bằng vật liệu tại chỗ.
Đồng hành xây dựng nông thôn mới, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở KH&CN phối hợp với huyện Đình Lập, Hữu Lũng nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật và phát triển một số cây đặc sản, chủ lực. Tại Đình Lập, sở đã nhân giống và đưa vào trồng thử nghiệm cây trà hoa vàng, lan kim tuyến; đang nghiên cứu quy trình trồng và chăm sóc cây đào chuông. Tại Hữu Lũng, các biện pháp khoa học kỹ thuật được ứng dụng để trồng mít giống mới, dứa VietGAP, chế biến măng bát độ… Đặc biệt, xây dựng 3 mô hình nuôi gà ri lai, trồng chuối tây thái tại 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới gồm: Hội Hoan, Thanh Long, huyện Văn Lãng; Hữu Lễ, huyện Văn Quan đạt kết quả tích cực.
Triển khai dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sở phối hợp kiểm tra tại 5 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, đoàn công tác liên ngành đã chỉ ra những hạn chế, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ 3 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 22000, ISO 9001:2015.
Năm 2019, Sở KH&CN sẽ hỗ trợ 20 mô hình áp dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài dự án khoa học công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đăng ký từ 4 đến 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 cho 42 đơn vị hành chính cấp xã.
Ý kiến ()