Sở Khoa học và Công nghệ: Góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP
– Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát huy vai trò trong thực hiện chương trình này, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã chủ động vào cuộc tổ chức, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2019 – 2020 định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh đã xác định được 20 sản phẩm chủ lực; 43 sản phẩm đặc trưng; 36 sản phẩm tiềm năng; 21 sản phẩm mới. Thực tế cho thấy Lạng Sơn có nhiều sản phẩm đặc sản, tiềm năng có giá trị cao có thể trở thành sản phẩm OCOP, tuy nhiên, đa số mới chỉ ở dạng tiềm năng, chưa có nhiều sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm cấp tỉnh, cấp quốc gia. Để sản phẩm đảm bảo các điều kiện trở thành sản phẩm OCOP thì cần phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), nâng cao năng lực sản xuất, phát triển sản xuất theo chỗi giá trị.
Các sản phẩm chủ lục của huyện Cao Lộc được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Cụ thể hóa vai trò của mình, Sở KH&CN đã xây dựng, triển khai chương trình Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, mục tiêu là nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để những sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.
Triển khai chương trình Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP, Sở KH&CN đã lựa chọn 8 sản phẩm để đưa vào danh mục các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh từ nay đến năm 2025. Trong đó, sở đang triển khai một số nhiệm vụ như: ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững hồng vành khuyên, quýt Tràng Định, hạt dẻ thành phố Lạng Sơn, chè dưới tán hồi huyện Bình Gia, khoai lang huyện Lộc Bình, lúa bao thai hồng, gà Cao Lộc và gà Vạn Linh (Chi Lăng). Cùng đó, sở triển khai nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy trình nhân giống, sản xuất và chế biến 26 sản phẩm như: kéo dài thời gian bảo quản vịt quay, chế biến trám ăn liền, mít sấy dẻo…; xây dựng 28 mô hình ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm OCOP. Đối với những giống cây bản địa, đặc sản của tỉnh, sở tiến hành tuyển chọn một số cây hồng, quýt, dẻ, khoai lang ưu tú, chất lượng tốt để bảo tồn nguồn gen; phục tráng 2 giống gà bản địa, 1 giống lúa.
Để đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ nghiên cứu, Sở KH&CN không chỉ tuyển chọn các cá nhân, đơn vị thực hiện trên địa bàn tỉnh mà còn tuyển chọn các doanh nghiệp, viện nghiên cứu có uy tín trong những lĩnh vực liên quan để ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ. Thực hiện vai trò quản lý, giám sát, hằng năm Sở KH&CN đều tổ chức thanh tra, kiểm tra các đề tài nhằm đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện cũng như đảm bảo kinh phí của tỉnh được sử dụng đúng mục đích.
Ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH thương mại, xây dưng Thiên Phú cho biết: Công ty đã tham gia triển khai thực hiện 2 đề tài là chế biến, bảo quản quả trám đen của Lạng Sơn và kéo dài thời gian bảo quản vịt quay. Đến nay, công ty đã xây dựng được quy trình, công nghệ chế trám đen ngâm muối ăn liền và trám đen sấy tách hạt, quy trình chế biến và kéo dài thời gian bảo quản vịt quay. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 87 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sau khi được công nhận các chủ thể cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp để thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Chính vì vậy, vai trò của KH&CN trong việc duy trì, nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP là rất quan trọng. Có sự đầu tư về KH&CN không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần tích cực thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Ý kiến ()