Sở KH&CN: Từng bước nâng chất và lượng cho rau an toàn
LSO-Sau một thời gian thực hiện thí điểm mô hình trồng rau an toàn thành công tại thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, thời gian vừa qua, Sở KH&CN tiếp tục ứng dụng và nhân rộng mô hình này trên một vùng của thành phố. Qua đó từng bước nâng cao cả chất và lượng cho rau an toàn trên địa bàn tỉnh.
LSO-Sau một thời gian thực hiện thí điểm mô hình trồng rau an toàn thành công tại thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, thời gian vừa qua, Sở KH&CN tiếp tục ứng dụng và nhân rộng mô hình này trên một vùng của thành phố. Qua đó từng bước nâng cao cả chất và lượng cho rau an toàn trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Sở KH-CN Lạng Sơn nghiên cứu trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh |
Từ năm 2009 đến nay, khái niệm về rau an toàn đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Lạng Sơn. Các mô hình trồng rau an toàn ngày càng phát triển, diện tích tăng theo từng năm. Tuy vậy, địa phương trồng rau an toàn vẫn còn hẹp và lượng rau an toàn vẫn chưa cung cấp đủ so với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, Sở KH&CN chủ động phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh… tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng rau an toàn ra 2 xã ngoại thành là Mai Pha, Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) và xã Gia Cát, xã Tân Liên (Cao Lộc).
Có thể nói rằng, thôn Nà Chuông hiện là nơi có diện tích trồng rau an toàn lớn nhất trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Bắt đầu từ năm 2009, với 8,3ha, 69 hội viên của Hợp tác xã (HTX) Nà Chuông chỉ chuyên canh trồng rau an toàn. Cũng là các chủng loại rau thông thường như su hào, bắp cải, cải ngồng, rau sống các loại… nhưng sản phẩm rau an toàn do HTX Nà Chuông sản xuất ra đã tạo dựng được thương hiệu riêng từ nhiều năm nay. Có được kết quả này chính là nhờ sự giúp đỡ của các ngành chức năng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Sở KH&CN. Được sự giúp đỡ của ngành khoa học, bà con tại Nà Chuông đã mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP. Phương pháp trồng này đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn cao hơn, từ đất trồng, nước tưới, giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Sự đòi hỏi khắt khe đó đã mang lại cho người trồng rau thu nhập lớn hơn nhiều lần so với trồng lúa. Từ năm 2010, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đã được bày bán tại siêu thị như Metropol ở Hà Nội với bao bì đầy đủ mã số, mã vạch và tên hộ gia đình sản xuất. Với giá trên 10.000 đồng/kg rau các loại, trung bình mỗi ha khoảng 20 tấn rau, người dân sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Thành công từ mô hình rau an toàn tại thôn Nà Chuông, các ngành chức năng đã mạnh dạn nhân rộng mô hình sang thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc và thôn Rọ Phải, xã Mai Pha. Theo lãnh đạo Sở KH&CN, xã Quảng Lạc từ lâu đã được biết đến là địa phương có diện tích trồng rau khá lớn, tuy nhiên, bà con phần đa vẫn trồng rau theo phương pháp thủ công, điều này khiến chất lượng rau chưa đạt yêu cầu, giá thành cũng vì thế mà không cao. Để từng bước tạo vị thế cho rau an toàn và nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây, ngành đã phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương… áp dụng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP tại địa bàn. Sau một thời gian triển khai, đến nay đã có 26 hộ tại thôn Quảng Hồng 2 tham gia. Với 4,2ha diện tích, 26 hộ này trồng rau quanh năm, mùa nào rau đấy, trung bình mỗi năm nhóm sản xuất rau an toàn của thôn đã sản xuất được trên 65 tấn rau an toàn, thu nhập trung bình của mỗi hộ trồng rau đạt 20 – 30 triệu đồng/năm.
Cũng như thôn Quảng Hồng 2 (Quảng Lạc), thôn Rọ Phải (Mai Pha) cũng là thôn nằm trong vùng liên kết phát triển rau an toàn. Sau một thời gian áp dụng mô hình VIETGAP, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng rau an toàn, 31 hộ dân tại đây đã cam kết trồng rau an toàn lâu dài trên diện tích là 3,7ha. Ngoài 3 thôn Nà Chuông, Rọ Phải (Mai Pha), thôn Quảng Hồng 2 (Quảng Lạc), Sở KH&CN, Sở Công thương… đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau an toàn đến thôn thôn Bắc Đông 2, thôn Cổ Lương xã Gia Cát và thôn Nà Pinh, xã Tân Liên (Cao Lộc). Bước đầu, 50 hộ dân của những thôn này đã cam kết trồng rau theo tiêu chuẩn khép kín, không sử dụng phân hóa học và nước bẩn để chăm sóc rau. Tại các vườn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, các thành viên trong hệ thống bước đầu nhận định: người sản xuất đã nắm bắt quy trình sản xuất và nghiêm túc tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt của quy trình sản xuất rau an toàn. Điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng từ khâu sản xuất đến việc tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, theo bà con trồng rau, ngoài rau an toàn của thôn Nà Chuông được khẳng định thương hiệu vì có hợp tác xã và cửa hàng phân phối. Hiện tại, rau an toàn tại các địa phương khác vẫn gặp vướng mắc trong khâu tiêu thụ, lý do là chưa có cơ sở chứng nhận về chất lượng rau an toàn cho bà con. Để giải quyết được việc này, ngành công thương cần nhanh chóng vào cuộc, cụ thể là nhanh chóng thành lập một HTX tiêu thụ rau an toàn có sự chứng thực của ngành công thương và bảo vệ thực vật. Có như vậy, mô hình trồng rau an toàn mới phát triển một cách bền vững.
Được biết, trong thời gian tới, ngành khoa học tỉnh sẽ thực hiện thí điểm kỹ thuật trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh. Mô hình này nếu được thực hiện thì sẽ nâng tầm chất lượng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
TRÍ DŨNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()