Sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ngày 25-12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Ngày 25-12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Dự hội nghị, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát cho biết, Nghị quyết 26/NQ-T.Ư đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc, sâu rộng; cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân hưởng ứng tích cực. Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và có tác động mạnh mẽ, duy trì phát triển nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, tiếp tục nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống của nông dân, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của Ðảng ở các vùng nông thôn.
Theo số liệu báo cáo, trong giai đoạn 2009 – 2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 15,2% (dự kiến năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD). Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng trong cả nước, qua ba năm thực hiện đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện điều kiện sống của người dân nhiều vùng nông thôn. Thu nhập trung bình của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. Ðến tháng 9-2013, trung bình mỗi xã xây dựng nông thôn mới đã đạt được 7,87 tiêu chí. Trong số 8.971 xã báo cáo, có 67 xã được công nhận hoàn thành tất cả 19 tiêu chí… Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng ở 43 tỉnh, trên diện tích khoảng 100 nghìn ha trồng lúa…
Tuy nhiên, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền tiếp tục doãng ra. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo còn cao, xóa nghèo kém bền vững. Lao động nông thôn quá nhiều, chậm được đào tạo, tỷ lệ thiếu việc làm cao, năng suất lao động thấp, nhiều bức xúc của nông dân chậm được giải quyết…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Cần phải xem xét kết quả thực hiện vai trò làm chủ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức xã hội, cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thời gian tới, cần tập trung chỉ đạo công tác triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết một cách sâu rộng, có hình thức tổ chức triển khai học tập phong phú, đa dạng phù hợp với các đối tượng, nắm chắc tinh thần của Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát hợp với tình hình thực tiễn và khả năng thực hiện ở từng địa phương, đơn vị cụ thể.
Các cấp, các ngành cần thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, huy động và vận động nhiều nguồn lực khác nhau, trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Cần xác định giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là quá trình liên tục, lâu dài, phải có bước đi thích hợp với điều kiện và nguồn lực của từng địa phương, hơn nữa cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp, đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời những mô hình, cách làm tốt.
Cần tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn mang tính toàn diện, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, dựa vào nông dân, lấy nông dân làm chủ thể. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở quy hoạch, gắn phát triển nông thôn với lĩnh vực phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ khác, phát triển sản xuất, hàng hóa phải dựa trên cơ chế thị trường. Ðặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, lao động nông thôn ở địa phương đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường và quá trình hội nhập trong nhiều năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()