Sơ kết giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”
Các đại biểu dự hội nghị Sơ kết giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số
– Ngày 1/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện giai đoạn 2 của Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 232 cơ sở giáo dục mầm non (với trên 53 nghìn trẻ) và 249 cơ sở giáo dục có lớp tiểu học (với trên 75 nghìn học sinh).
Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn 2 của đề án, cụ thể là từ năm học 2021 – 2022, ngành GD&ĐT tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học.
Đối với bậc mầm non, 2 năm qua, hầu hết các trẻ đều được tăng cường Tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt. Các cán bộ quản lý và giáo viên đều được bồi dưỡng kiến thức và phương pháp dạy học Tiếng Việt.
Đối với cấp tiểu học, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, sở và các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tăng cường Tiếng Việt. Trong đó, 100% các trường cho học sinh tham gia giao lưu ngày hội Tiếng Việt của chúng em, ngày sách và văn hóa đọc. Năm học 2021 – 2022 và 2022 – 2023, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đều đạt 100%. Tỷ lệ trường, lớp, học sinh được học 2 buổi/ngày tăng qua từng năm. Chất lượng môn Tiếng Việt có chuyển biến tích cực.
Đại diện cấp phòng GD&ĐT phát biểu làm rõ hơn kết quả thực hiện đề án
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận bổ sung những kết quả đã đạt được trong 2 năm triển khai đề án ở giai đoạn 2. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tại đơn vị hoặc cơ sở giáo dục của mình như: khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên phát âm Tiếng Việt còn chưa chuẩn, viết chính tả còn sai. Bên cạnh đó, học sinh nhiều nơi còn rụt rè, phụ huynh có nơi chưa biết chữ nên công tác phối hợp còn chưa hiệu quả…
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục quán triệt đầy đủ các văn bản, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa cấp mầm non và tiểu học trong việc huy động trẻ ra lớp và tạo cơ hội cho trẻ 5 tuổi được làm quen với Tiếng Việt. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, định kỳ tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên đề về dạy học tăng cường Tiếng Việt…
Ý kiến ()