Sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm Đề án giáo dục STEM
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh phát biểu tại điểm cầu của sở
– Ngày 7/1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm phát triển giáo dục STEM ở một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến đến các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Đề án được triển khai từ năm 2019, tại 15 trường từ cấp tiểu học đến THPT.
Sau 3 năm triển khai, các trường thí điểm đã thực hiện được 210 chủ đề và hoạt động trải nghiệm STEM với 1.301 tiết, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Trong quá trình thực hiện các bài học theo chủ đề giáo dục STEM, học sinh đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên; học sinh tích cực hơn trong sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn của học sinh được đánh giá cao tại các cuộc thi, trong đó có 82 dự án tham dự cuộc thi cấp tỉnh.
Tại hội thảo, đại biểu ở các điểm cầu đã tham luận, thảo luận một số nội dung về: Thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực nghiệm hoạt động trải nghiệm STEM; giải pháp đẩy mạnh giáo dục STEM trong nhà trường; định hướng triển khai giáo dục STEM trong thời gian tới…
Kết luận hội thảo, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu: Trong thời gian tới, các trường cần tiếp tục xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong nhà trường; quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học STEM; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát việc triển khai giáo dục STEM tại đơn vị. Đồng thời, chú trọng việc nhân rộng và lan toả hệ thống bài giảng chủ đề STEM/hoạt động trải nghiệm STEM đã qua thực nghiệm…. đáp ứng các yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Ý kiến ()