Sơ kết 3 năm thực hiện phổ cập Giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi
Đồng chí Tô Hùng Khoa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Trong 3 năm qua, công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Lạng Sơn đã giành được những kết quả quan trọng. Đến năm học 2013-2014 toàn tỉnh đã có 203 trường MN với 2008 nhóm lớp, trên 45.350 trẻ. Tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ đạt 31,5%, độ tuổi mẫu giáo đạt 99,1%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%. Chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng được nâng lên. Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đã có 118 đơn vị được công nhận phổ cập, trong đó có 60 xã duy trì, 58 xã đạt chuẩn mới, tăng 12 đơn vị so với kế hoạch đề ra.
Công tác vệ sinh ATTP ở các bếp ăn tập thể được đảm bảo. Khắc phục nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, các phòng GD&ĐT, các địa phương đã giành một khoản kinh phí không nhỏ xây dựng bếp ăn, mua sắm trang thiết bị cấp dưỡng cho các nhà trường.
Sau các ý kiến tham luận của các huyện, thành phố và ý kiến của các ngành, kết luận hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực của các địa phương trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đồng chí nhấn mạnh: 118 đơn vị hoàn thành phổ cập là thước đo của những cố gắng, là kết quả của sự hội tụ các nguồn lực cho cấp học này. Kết quả đó là to lớn, song nhiệm vụ còn rất nặng nề. Từ nay đến hết năm 2015, thời gian không còn nhiều, những đơn vị trong kế hoạch phổ cập hầu hết còn rất nhiều khó khăn. Vấn đề là cần tập trung tháo gỡ về cơ sở vật chất cho lớp 5 tuổi theo tính chất “3 cứng” (cứng tường, cứng mái, cứng nền” chứ không thể cầu toàn. Các huyện cần vận dụng tối đa và sự linh hoạt trong xây dựng cơ sở vật chất, hợp đồng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên. Đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho các bếp ăn tập thể các nhà trường để đảm bảo an toàn VSTP cho học sinh. Xã hội hóa ở mức tối đa để nhân dân, các tổ chức cùng với tỉnh, huyện, xã chăm lo cho GDMN.
Quyết tâm chính trị của tỉnh là đến hết năm 2015, toàn tỉnh phải hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Quyết tâm đó phải được thực hiện ngay từ bây giờ, nếu không, các cấp ủy, chính quyền và ngành GD&ĐT phải chịu trách nhiệm với tỉnh và tỉnh phải chịu trách nhiệm với Trung ương.
Ý kiến ()