Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956: 6.753 LĐNT đã được đào tạo
LSO-Ngày 8/4/2013, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh Lạng Sơn (Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định phê duyệt số1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956)) đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án.
LSO-Ngày 8/4/2013, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh Lạng Sơn (Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định phê duyệt số1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956)) đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo UBND, Phòng LĐTB&XH, Trung tâm Dạy nghề các huyện, thành phố. Đồng chí Tô Hùng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 của tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết |
Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định 73 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020”, Ban Chỉ đạo các cấp đã tập trung tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn (LĐNT); điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho. Cùng với đó thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề cho LĐNT như: kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na; kỹ thuật chăn nuôi gà; kỹ thuật nuôi lợn; kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu; nghề kỹ thuật chế biến món ăn… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn các huyện, nâng tổng số các cơ sở dạy nghề lên 21 cơ sở, tăng 2 cơ sở so với năm 2010. Đặc biệt, các hoạt động phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức xã được đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Kết quả, toàn tỉnh đã đào tạo được 6.753 LĐNT, trong đó số LĐNT học nghề nông nghiệp chiếm khoảng 60%, số LĐNT học nghề phi nông nghiệp chiếm 40%. Sau khi được đào tạo nghề, trên 72% LĐNT đã có việc làm ổn định.
Đồng chí Tô Hùng Khoa phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Tại hội nghị, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã thảo luận, trao đổi những khó khăn trong công tác dạy nghề, nêu các đề xuất kiến nghị với tỉnh để giải quyết những vướng mắc trong công tác dạy nghề LĐNT hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo là Sở LĐTB&XH rà soát lại quy chế phối hợp liên ngành; đào tạo nghề gắn với nâng cao tư duy phát triển kinh tế cho LĐNT; chủ động lập kế hoạch hàng năm sớm; thực hiện kiểm tra, giám sát nhằm đưa công tác dạy nghề đi vào hiệu quả thiết thực.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tặng Giấy khen cho các cơ sở dạy nghề |
Nhân dịp này, Sở LĐTB&XH đã tặng Giấy khen cho 4 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác dạy nghề cho LĐNT trong giai đoạn 2010-2012.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()