Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016
Sau gần 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016, nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đều nhận định rằng, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016. |
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật báo chí 2016, tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thông qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí.
Cụ thể, tại Khoản 15 Điều 3 quy định “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Định nghĩa này chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa tạp chí”, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Đối với văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chặt chẽ hơn. Có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo. Thậm chí, có cơ quan báo chí cử Trưởng văn phòng ở tòa soạn Hà Nội và đưa các nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại văn phòng đại diện ở địa phương.
Luật Báo chí 2016 cũng mới chỉ quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp là do cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên; khoán doanh thu quảng cáo cho văn phòng đại diện dẫn đến tình trạng phóng viên sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo; viết bài chủ yếu tập trung khai thác vấn đề tiêu cực, mặt trái, vướng mắc của địa phương…
Đối với quy định về phóng viên, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 1 Điều 25 “nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới 2 năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo). Mặt khác, thẻ nhà báo hiện đang được cấp rất dễ với số lượng nhiều. Thậm chí, chủ một doanh nghiệp cũng có thẻ nhà báo. Về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc đề xuất cấp thẻ nhà báo là do trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí. Nếu Bộ phát hiện cấp sai thẻ nhà báo, sẽ đề nghị xử lý Tổng biên tập của tờ báo.
Cũng liên quan đến thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên, Luật Báo chí 2016 không quy định về bất kỳ loại thẻ nào trong hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí, ngoài thẻ nhà báo. Tuy nhiên, thời gian qua, xảy ra tình trạng nhiều phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp bằng các loại giấy tờ, thẻ dễ nhầm lẫn với thẻ nhà báo. Có không ít trường hợp sử dụng các loại giấy tờ, thẻ này để tiếp xúc doanh nghiệp, mời quảng cáo, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín nghề nghiệp của các nhà báo đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với quy định về cải chính trên báo chí, Điều 42 quy định “khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân… thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí”. Tuy nhiên, Luật Báo chí 2016 chưa quy định trách nhiệm gửi kết luận của cơ quan ban hành quyết định đến cơ quan báo chí để thực hiện việc cải chính theo quy định, dẫn đến việc cơ quan báo chí không biết để đăng thông tin, xảy ra ở một số vụ việc tranh chấp liên quan đến nội dung mà cơ quan báo chí đăng tải.
Thực tiễn cho thấy, có không ít trường hợp thực hiện cải chính không đúng quy định, do vậy cần có chế tài xử lý cụ thể.
Qua thực tiễn quản lý, ý kiến của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, phù hợp các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, đặc biệt, đối với các vấn đề về khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí và các địa phương; Cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (Youtube, Facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thẩm định nội dung đối với các sản phẩm như truyền hình…
Đồng thời đề xuất có cơ chế bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp đúng quy định của Luật báo chí, xử lý nghiêm các trường hợp giả danh phóng viên…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()