Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 95 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Sáng 30/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 95-NQ/TU ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2030. Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết 95 được các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện. Kết quả, sau 2 năm triển khai, toàn tỉnh tiếp nhận 688 hồ sơ đề nghị cải tạo rừng với tổng diện tích 1.724,07 ha. Trong đó, đã thẩm định 645 hồ sơ với tổng diện tích 1.595,19 ha (43 hồ sơ còn lại không tiến hành thẩm định do các hộ gia đình xin rút hồ sơ), bước đầu đã có 1 hồ sơ tại huyện Văn Lãng được phê duyệt với diện tích 6,2 ha, hiện nay, hộ gia đình đang xử lý thực bì được khoảng 1,9 ha.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 95 còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở vẫn chưa thực sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết; công tác tuyên truyền chưa được chuyên sâu; tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện phê duyệt còn thấp...
Nguyên nhân là do Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên và duy nhất trên cả nước thực hiện cải tạo rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi. Do đó, còn nhiều khó khăn về cách thức triển khai thực hiện; khi tiến hành thẩm định, quá trình tính toán các chỉ tiêu lâm sinh, lập hồ sơ đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực; việc ban hành danh mục cây mục đích chưa được kịp thời; người dân chỉ mong muốn được cải tạo toàn diện...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận, làm rõ về những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 95 như: công tác tuyên truyền thực hiện nghị quyết; công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân; nhu cầu của người dân trong cải tạo rừng; thẩm định hồ sơ đề nghị cải tạo rừng... Đồng thời, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả nghị quyết trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định danh mục loài cây sinh trưởng nhanh, sinh trưởng chậm, cây mục đích, cây phi mục đích đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh; chủ trì, điều tra hiện trạng rừng theo nội dung công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp tục tham mưu công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; làm rõ, đảm bảo tính pháp lý, thủ tục giao quản lý bảo vệ rừng; đánh giá, phân tích tiềm năng để nghiên cứu triển khai các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng...
Đồng thời, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 95 và các chính sách về phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân có nhu cầu cải tạo rừng thực hiện các bước lập hồ sơ; thường xuyên tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền...
Ý kiến ()