Sơ kết 1 năm triển khai quyết định về gửi, nhận văn bản điện tử
LSO-Sáng nay (15/11), Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc s ơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước .
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn.
Triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối, liên thông, thí điểm và chính thức gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Kết quả sau 1 năm triển khai đã có 100% (95/95 đơn vị, bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng) kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia; có trên 651.000 văn bản trong đó trên 163.000 văn bản gửi và trên 488.000 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 220.000 chứng thư số cho 95 đầu mối, qua đó, 84/95 (88%) bộ, ngành, địa phương đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Tại Lạng Sơn, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 30/9/2019, tỉnh đã gửi 291 văn bản tới Văn phòng Chính phủ trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó 213 văn bản có bản điện tử, 211 văn bản có ký số. Toàn tỉnh đã có 570 tổ chức, cá nhân được trang bị chữ ký số.
Việc triển khai thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg bước đầu đạt được những kết quả nhất định, làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử; tạo thuận lợi tối đa trong giải quyết công việc của cơ quan hành chính, tổ chức và cá nhân.
Hệ thống còn góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước. Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng/năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị: Để tiếp tục triển khai hiệu quả, đáp ứng lộ trình đề ra tại Quyết định 28, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan hành chính nhà nước tham gia vào quá trình gửi, nhận văn bản điện tử và đến ngày 30/6/2020 sẽ liên thông văn bản điện tử trong 4 cấp hành chính, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc gửi, nhận, xử lý, lưu trữ văn bản điện tử và về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; tiếp tục cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thay đổi thói quen, phương thức xử lý hồ sơ, văn bản điện tử trên mạng phục vụ nhiệm vụ công việc chuyên môn. Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử.
MINH ĐỨC - THÙY DUNG
Ý kiến ()