Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Ngày 25/12, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo các bộ, ngành. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh, huyện, xã trong cả nước.
Tại Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Hội nghị còn được kết nối đến hơn 200 điểm cầu trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022, có 9/12 mục tiêu quan trọng của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đề ra được hoàn thành. Cụ thể: 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến là 52,80%; 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 75% hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng; 30,7% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 85% dân số có điện thoại thông minh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” Tổ Công tác triển khai đề án tham mưu, đề xuất ban hành 3 văn bản pháp luật để triển khai đề án. Đã có trên 154 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 25 dịch vụ công thiết yếu được thực hiện trên môi trường điện tử; Bộ Công an đã làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng để kiểm soát đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; nền tảng căn cước công dân gắn chíp đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Bộ Công an đã đưa vào hoạt động hệ thống định danh và xác thực điện tử; về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 31 địa phương…
Tại đây, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu làm rõ các kết quả đạt được trong triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn công cuộc chuyển đổi số đạt được những kết quả quan trọng, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, xác định 5 trụ cột gồm: Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng; Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số và Cửa khẩu số. Đến nay, toàn tỉnh đã tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp; 100% trường học sử dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến; 100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính; 100% Cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh hoạt động trên nền tảng Lạng Sơn Cloud; 100% hoạt động của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đưa lên trên nền tảng số; 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số. Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số – DTI năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 5/63 tỉnh/thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020, vào top 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số là nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2030; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương hoàn thiện và triển khai quyết liệt kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu; tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tưởng). Trong năm 2023, dứt khoát xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia… Cùng đó, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án 06 và chuyển đổi số.
Ý kiến ()