"Số hóa" trong quản lý ngân sách nhà nước
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai, vận hành hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) giữa KBNN với các ngân hàng thương mại (NHTM). Hệ thống đã góp phần điện tử hóa giao dịch, mở rộng khả năng kết nối với các hệ thống khác, từ đó đẩy nhanh quá trình tập trung các khoản thu vào NSNN, giúp công tác quản lý quỹ NSNN kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác thanh toán trong nội bộ hệ thống đã được KBNN triển khai từ nhiều năm nay nhưng việc cân đối thanh toán giữa KBNN với các NHTM mới chỉ tập trung nghiên cứu ở cấp trung ương. Công tác thanh toán tại các cấp địa phương chủ yếu được thực hiện thủ công, phân tán… Ðiều này đã dẫn tới việc theo dõi thu, chi và tồn quỹ ngân sách các cấp chưa kịp thời; mất nhiều thời gian công sức trong việc xử lý các lệnh thanh toán. Hơn nữa, công tác quản lý, điều hành ngân quỹ KBNN cũng đang đòi hỏi phải cải cách để hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, bằng cách xây dựng một hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, từng bước tập trung ngân quỹ về trung ương, hạn chế tối đa việc chia cắt ngân quỹ, nâng cao tính thanh khoản của KBNN… Trước những yêu cầu đó, KBNN đã triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với các NHTM. Sau hơn một năm, hệ thống thanh toán mới đã thể hiện rõ tính hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả KBNN, các NHTM cũng như các đơn vị thụ hưởng NSNN.
Phó Giám đốc KBNN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, trước đây, một ngày chỉ có hai phiên thanh toán, nếu người nộp ngân sách tới muộn thì sẽ phải chuyển sang phiên thanh toán sau. Ðiều này dẫn tới tốc độ thanh toán bị chậm. Với hệ thống mới, chứng từ khách hàng mang tới kho bạc được chuyển sang chứng từ điện tử, có thể chuyển tiền bất cứ lúc nào.
Hệ thống thanh toán mới đã góp phần giải tỏa nhanh toàn bộ công việc của kho bạc. Trước đây, nếu cán bộ KBNN nhận được chứng từ thu ngân sách thì phải thực hiện hàng loạt thủ tục rất phức tạp. Giờ đây, chỉ cần có mã số thuế có thể ngay lập tức truy vấn ra nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng để hạch toán. Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà khẳng định: Việc triển khai thành công trên phạm vi cả nước hệ thống thanh toán mới đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Hệ thống đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán của KBNN. Ðồng thời tạo thuận lợi cho công tác tập trung các khoản thu NSNN được kịp thời, chính xác, bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế. Phương thức thanh toán mới cũng góp phần quan trọng để xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, tạo cơ sở để quản lý ngân quỹ tập trung tại trung ương, nâng cao khả năng thanh khoản của toàn hệ thống KBNN, sử dụng ngân quỹ an toàn và hiệu quả. Hệ thống mới cũng góp phần mang lại hiệu quả đầu tư cao, giảm đáng kể chi phí điều chuyển vốn giữa các đơn vị KBNN trong hệ thống, tăng tốc độ chu chuyển của đồng tiền, giảm lượng tiền mặt lưu thông ngoài xã hội.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (ViettinBank) Lê Ðức Thọ đánh giá, việc chuyển từ sử dụng chứng từ giấy và các phương thức giao dịch truyền thống sang chứng từ điện tử, giao dịch trên hệ thống CNTT hiện đại là một bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Với hệ thống mới, người nộp thuế có thể lựa chọn nhiều kênh thanh toán qua ngân hàng. Thí dụ, khi khách hàng có tài khoản VietinBank sẽ không phải thực hiện giao dịch trực tiếp mà chỉ cần thao tác lệnh thanh toán hoặc nộp NSNN qua in-tơ-nét, qua tin nhắn,…; góp phần tiết kiệm được nguồn lực, chi phí trong công tác thu, chi NSNN; đồng thời rút ngắn thời gian giao dịch, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, chính xác về dữ liệu. Thời gian tới, phương thức thanh toán này cần tiếp tục được hoàn chỉnh và khai thác mạnh hơn nữa. Khi đó, số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán và nộp thuế thông qua ngân hàng chắc chắn sẽ mở rộng, không chỉ đem lại lợi ích cho KBNN mà còn cho cả chính các NHTM tham gia hệ thống.
Tuy nhiên, để hệ thống mới được triển khai đồng bộ và rộng khắp thì còn rất nhiều việc cần làm. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa có địa bàn khó khăn, hạ tầng cơ sở vật chất và CNTT còn yếu kém dẫn đến việc triển khai hệ thống đồng bộ trên cả nước còn gặp vướng mắc. Việc bảo đảm tính ổn định của hạ tầng truyền thông cũng rất quan trọng, vì nếu đường truyền đứt thì mọi công việc sẽ ách tắc, gây hậu quả khôn lường. Công tác bảo mật đã được triển khai bằng rất nhiều công đoạn và giải pháp, như mã hóa đường chuyền và dữ liệu thông tin hay ứng dụng chữ ký số, nhưng chắc chắn sẽ cần tiếp tục hoàn thiện. Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng, trong quá trình triển khai hệ thống, vẫn còn những vướng mắc về quy trình nghiệp vụ như với tiền gửi ngoại tệ, xử lý những tình huống phát sinh hay công nghệ kỹ thuật… “KBNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình nghiệp vụ, chấp hành kỷ luật thanh toán, xây dựng các tiện ích ứng dụng có khả năng cảnh báo, ràng buộc chéo để tránh sai sót trong quá trình thanh toán, bảo đảm tuyệt đối an toàn tiền và tài sản của Nhà nước giao cho hệ thống KBNN quản lý”, Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà khẳng định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()