Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội
Thời gian qua, các bộ, ngành có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp số hóa trong thanh toán chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân thông qua ứng dụng VNeID. Việc này đã mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc đối với người dân, xã hội, nhất là những người được thụ hưởng trực tiếp các chính sách an sinh xã hội.
Các đánh giá từ ngành ngân hàng cho thấy, tại nhiều địa phương, các ngân hàng thương mại rất tích cực hỗ trợ tạo tài khoản cho người dân nhận chế độ an sinh xã hội; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng vi mô trên địa bàn cả nước nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những đối tượng yếu thế có thể đầu tư, sản xuất để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.
Đẩy mạnh tín dụng an sinh xã hội
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã nâng tỷ lệ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt lên mức 40-60%. Ở một số địa phương như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương..., tỷ lệ người thụ hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng đạt mức 80-100%, hầu hết đều đã được chi trả tiền trợ cấp, hỗ trợ thông qua chuyển khoản.
Bên cạnh phổ cập tài khoản ngân hàng cho người dân để nhận các khoản chi trả an sinh xã hội, các tổ chức tín dụng cũng chú trọng việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đánh giá khả tín khách hàng vay và phát triển các sản phẩm tín dụng vi mô đối với người nghèo, người lao động thu nhập thấp. Đơn cử các ngân hàng thương mại như Vietcombank, VietinBank, BIDV, PVcomBank,... đều triển khai các sản phẩm cho vay tín chấp cá nhân với lãi suất hợp lý và thủ tục vay đơn giản, dễ dàng nhằm “tiếp sức” cho những người thu nhập thấp.
Theo đó, tại PVcomBank, khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm vay tín chấp cho người đến tuổi nghỉ hưu, vay tín chấp cho người tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và vay tín chấp trả góp cho người gần đủ tuổi nghỉ hưu. Mức lãi suất các sản phẩm cho vay này từ 8,5%/năm, tùy theo nhóm người dùng vào việc đóng bảo hiểm, thời gian ân hạn gốc tối đa 3 năm và thời hạn vay tối đa 7 năm...
Ngoài ra, thống kê của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cũng cho thấy, tính đến tháng 2/2024, cả nước có khoảng 5 triệu người thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong số này có gần 1,6 triệu người đã có tài khoản ngân hàng và mong muốn được chi trả các khoản hỗ trợ, trợ cấp thông qua tài khoản. Còn theo số liệu từ phía ngành ngân hàng, đến nay đã có khoảng 832.700 người thụ hưởng chính sách xã hội được chi trả qua tài khoản. Tính đến đầu tháng 2/2024 số tiền chi trả qua tài khoản đã đạt khoảng 2.588,3 tỷ đồng, tăng khá mạnh (gần 862,3 tỷ đồng) so với giữa tháng 1/2024.
Hướng đến minh bạch, an toàn và thuận tiện
Theo Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Thanh Hà, hiện nay, hoạt động chi trả an sinh xã hội được thực hiện thông qua công chức văn hóa xã hội cấp xã từ ngày 1 đến 10 hằng tháng tại trụ sở xã; thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả (bao gồm các đối tượng có tài khoản thanh toán và chưa có tài khoản thanh toán); chi trả trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cấp huyện đến trực tiếp tài khoản đối tượng thụ hưởng.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-Bộ Công an) để triển khai tại các địa phương, bao gồm: rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán. “Trong năm 2024, đơn vị phấn đấu có 30% số đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành quản lý mở tài khoản thanh toán để hưởng trợ cấp. Các đối tượng này bao gồm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác”, bà Vũ Thị Thanh Hà cho hay.
Theo Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), với vai trò là đơn vị triển khai thường trực Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), sau hơn hai năm triển khai, Bộ Công an cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây chính là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận trong quá trình chi trả; phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, cùng Ủy ban nhân dân các địa phương hoàn thiện tính năng an sinh xã hội nhằm xây dựng nền tảng thanh toán chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID.
Về phía ngành ngân hàng, theo Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Lê Anh Dũng, việc số hóa chi trả trợ cấp an sinh mang lại rất nhiều ích lợi. “Giải pháp này giúp tiền trợ cấp đến với người thụ hưởng một cách an toàn, nhanh chóng hơn. Trước đây có những vụ việc rất đáng tiếc là tiền trợ cấp “đi nhầm” vào cán bộ cơ sở. Giờ có dịch vụ này, tiền trợ cấp an sinh sẽ đến tận tay người hưởng, cơ quan chức năng cũng có quy trình số hóa giúp khâu kiểm tra, giám sát thông suốt, minh bạch, an toàn.
Cùng với đó, việc số hóa hình thức chi trả trợ cấp an sinh còn giúp cơ quan chức năng phục vụ người dân tốt hơn. Khi thông tin, dữ liệu cá nhân đã được “làm sạch” và liên tục cập nhật, người thụ hưởng sẽ trực tiếp nhận tiền và Nhà nước cũng bảo đảm tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, tránh thất thoát”, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.
Là đơn vị được giao kết nối hạ tầng thanh toán giữa các ngân hàng và các đơn vị liên quan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, NAPAS đã sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật (phần cứng, phần mềm), bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu năng, hiệu suất trong việc kết nối giữa các ngân hàng sang hệ thống C06. Đồng thời, NAPAS cũng chuẩn bị toàn bộ hệ thống quy trình, nghiệp vụ, cũng như con người để thực hiện việc vận hành và trung tâm giám sát vận hành dịch vụ 24/7, kịp thời phát hiện lỗi, sự cố xảy ra và phối hợp cùng các bên xử lý nhanh nhất, bảo đảm mọi dịch vụ của NAPAS và hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân được thực hiện thông suốt.
Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thực tế, thời gian qua, mặc dù nhiều đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, song việc triển khai tại nhiều nơi còn chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra. Tại Sóc Trăng, đến cuối năm 2023, mới chỉ có khoảng 1.500/2.800 người thụ hưởng chính sách an sinh xã hội tại tỉnh có tài khoản ngân hàng được chi trả các khoản tiền trợ cấp thông qua phương thức không dùng tiền mặt, đạt gần 52%. Nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ này khá thấp, chỉ từ 10-20%.
Vì vậy, để tạo thuận lợi cho người nhận trợ cấp an sinh xã hội, ông Lê Anh Dũng cho biết, trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình nghiệp vụ và hạ tầng hệ thống cũng như chất lượng dịch vụ; đồng thời quan tâm lắng nghe những phản hồi từ phía những người mở tài khoản nhận trợ cấp an sinh xã hội để có những tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn.
Cùng với ngành ngân hàng, Phó Vụ trưởng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) Nguyễn Thế Anh nhìn nhận, tất cả các cơ quan liên quan cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin tuyên truyền phải đến được tất cả người dân nói chung cũng như đối tượng an sinh xã hội nói riêng về những lợi ích mà việc số hóa công tác chi trả an sinh xã hội mang lại. “Việc liên thông được dữ liệu giữa các cơ quan khác nhau bảo đảm sạch, đúng đối tượng, đúng mục đích là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, việc sớm triển khai xây dựng hệ sinh thái thanh toán qua ứng dụng VNeID là hết sức cần thiết trong tương lai”, ông Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh.
Ý kiến ()